10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022

Năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 để lại nhiều khó khăn, thách thức với nước ta, nhưng các chỉ tiêu bao phủ về an sinh xã hội và bảo hiểm đều tăng so với năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Xin giới thiệu 10 kết quả nổi bật trong năm 2022 của ngành bảo hiểm xã hội.

1. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện chính sách an sinh

Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và nhân dân, trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi UBND 63 tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp: Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã; hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 1

Ảnh: nhandan.vn.

Theo đó, bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn. 56 tỉnh đã đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội và 61 tỉnh đã đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế vào Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, nhiều tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 2

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, vừa thể hiện trách nhiệm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn; tạo sự thống nhất, đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.


2. Hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển người tham gia trong bối cảnh hết sức khó khăn

Năm 2022, đại dịch Covid-19 đi qua để lại nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong công tác phát triển người tham gia của ngành. Mặc dù trong điều kiện thực hiện hết sức khó khăn nhưng các chỉ tiêu bao phủ đều tăng so với năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 3

Ảnh: nhandan.vn.

Cụ thể, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% dân số.

2022 là năm đầu tiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh 190 doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2017-2022.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 4

Ảnh: Tâm Trung.

Hoạt động thiết thực này ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên các doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đồng thời tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng Nhà nước xây dựng, củng cố nền an sinh xã hội cho người lao động, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 5

Diện bao phủ tiếp tục được mở rộng đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều người dân được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao năm 2022 mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lộ trình đến năm 2025 theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.


3. Quyền lợi người tham gia, thụ hưởng được bảo đảm đầy đủ, kịp thời

Năm 2022, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường sử dụng các dịch vụ công, rút ngắn thủ tục - thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng,… bảo đảm quyền lợi cho người tham gia được đúng - đủ - kịp thời.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 6
Ảnh: Thành Đạt.

Trong năm 2022, toàn ngành đã: Giải quyết hơn 95 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; bảo đảm chi trả kịp thời, an toàn cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; chi trả hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…; 151,4 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.

Đáng chú ý, năm 2022 có khoảng 61% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813 của Thủ tướng Chính phủ.

Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội tiếp tục được phát huy, góp phần tích cực ổn định đời sống cho người lao động, tạo thêm niềm tin vững chắc vào các chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.


4. Đồng hành cùng người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Kịp thời nắm bắt khó khăn, đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp, trong năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp cấp có thẩm quyền tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 7

Ảnh: Trần Hải.

Đồng thời, ngành tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu công nghệ thông tin sẵn có, đẩy mạnh truyền thông sâu rộng tới người lao động, người sử dụng lao động… để triển khai kịp thời, minh bạch các gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến tận tay người lao động, người sử dụng lao động một cách nhanh, gọn, chính xác.

Theo đó, tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn ngành đã triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó, nâng tổng số tiền hỗ trợ đạt hơn 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. Trong đó, có 99,3% người lao động nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng trong tổng số hơn 13 triệu người lao động được hưởng gói hỗ trợ bằng tiền mặt từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Kết quả này đã giúp doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; được xã hội, người lao động, doanh nghiệp đánh giá cao. Từ đó, tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của ngành trong công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người tham gia trong bối cảnh đặc biệt khó khăn - chưa từng có tiền lệ do dịch bệnh gây ra.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 8

5. Tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Bên cạnh việc chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế cho người tham gia, năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp ngành y tế đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, bảo đảm nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm y tế theo Luật định.

Đáng chú ý, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Với sự vào cuộc tích cực đó, nhiều vướng mắc trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được tháo gỡ kịp thời.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 9

Mặt khác, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tích cực phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh cải tiến, xử lý các vướng mắc về thủ tục khám, chữa bệnh bằng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng “VssID - bảo hiểm xã hội số”. Điều này tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia bảo hiểm y tế; tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành nhằm quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế ngày một hiệu quả.

Sự chủ động, quyết liệt của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.


6. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện

Trong năm qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao; đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn.

Hiện, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh. Có khoảng hơn 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến (trong đó có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế); kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương;…

Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại của ngành.

Các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách; nâng cao tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp;...

Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Trong xếp hạng Chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; Hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và Nhận thức số xếp hạng thứ 3.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 10

7. Triển khai hiệu quả Đề án 06, đem tới nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi Cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức.

Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực hơn 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật bảo đảm từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp người tham gia giảm thời gian, thủ tục khi đi khám, chữa bệnh.

Đồng thời, triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” cơ quan bảo hiểm xã hội, giúp người tham gia, thụ hưởng thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện.

Tới nay, kết quả đạt được là cả nước đã có hơn 12 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Con số này chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 11

Việc tích hợp, triển khai các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực, phối hợp triển khai. Đó là các dịch vụ công như: Tích hợp các dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”, “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” (từ tháng 7/2022); liên thông và triển khai thí điểm 2 dịch vụ công “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Theo đó, đến hết tháng 12/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 50 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hơn 50 nghìn lượt giao dịch gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thành công.

Với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu hiệu quả, vừa phục vụ công tác quản lý vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền - lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.


8. Nhiều giải pháp quyết liệt thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm

Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Nghị quyết số 317 về việc tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng năm 2022.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 12
Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp. (Ảnh: Tâm Trung)

Theo đó, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình trạng chậm đóng của các doanh nghiệp trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đầy đủ, kịp thời; tích cực phối hợp ngành công an, thuế, lao động-thương binh và xã hội, liên đoàn lao động, kế hoạch và đầu tư,… triển khai nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng hiệu quả.

Cơ quan công an và cơ quan bảo hiểm xã hội tại 63 tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng, với số tiền thu hồi trong năm đạt 500 tỷ đồng.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 13

Ảnh: Thành Đạt.

Bên cạnh đó, toàn ngành tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch hoặc đột xuất. Đến hết tháng 12/2022, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị; phát hiện 74.000 trường hợp truy thu về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 90 tỷ đồng, bằng 160% so với năm 2021.

Năm 2022, nhờ các giải pháp quyết liệt của ngành, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là hơn 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.

Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng của ngành đã mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.


9. Lan tỏa tinh thần nhân ái về chính sách an sinh với người khó khăn

Ngày 23/11, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát động “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc.

Hoạt động này mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội, đồng hành cùng công chức - viên chức ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người yếu thế. Qua đó, ngày càng nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, được chăm sóc sức khỏe bằng thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng số người thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 14
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát động “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn”. (Ảnh: Tâm Trung).

Hưởng ứng chương trình, đến hết tháng 12/2022, hàng nghìn doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại 63 tỉnh, thành phố chung tay cùng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trao tặng khoảng 16.000 sổ bảo hiểm xã hội và 120.000 thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 136.000 người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

Sự kiện này là một hoạt động thiện nguyện hết sức ý nghĩa và thiết thực. Thông qua đó, lan tỏa tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong cộng đồng xã hội với thông điệp: “Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế - Trao nhân ái, lan tỏa yêu thương” hướng tới mục tiêu toàn dân được hưởng quyền an sinh, được chăm sóc sức khỏe, không để ai bị bỏ lại phía sau.


10. Mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về an sinh xã hội

Năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và trách nhiệm của Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN, Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế.

Trong bối cảnh các nước trên thế giới bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế với Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các tổ chức an sinh xã hội của châu Âu,… để tham vấn ý kiến, kinh nghiệm quốc tế về các nội dung đề xuất xây dựng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

10 kết quả nổi bật về bảo hiểm xã hội của năm 2022 ảnh 15
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký kết Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thực hiện bảo hiểm y tế với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. (Ảnh: Tâm Trung).

Đặc biệt, trong tháng 5/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia tháp tùng Đoàn Công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN tại Hoa Kỳ.

Nhân chuyến công tác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký kết Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thực hiện bảo hiểm y tế với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, mở ra kỳ vọng mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian tới.

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - HỒNG VÂN

Nội dung: NHẬT ANH - NGÂN ANH

Ảnh: TRẦN HẢI, THÀNH ĐẠT, BÁO NHÂN DÂN, TÂM TRUNG…

Trình bày: PHƯƠNG NAM

back to top