Điều gì đang diễn ra đối với nền kinh tế Zimbabwe?
Theo bất cứ thước đo nào thì Zimbabwe cũng đang gặp khó khăn quá lớn về tài chính.
Trong nhiều cửa hàng, các giá bày hàng gần như trống rỗng suốt cả ngày, và giá cả đang tăng vọt đối với những hàng hóa còn lại khi lạm phát phi mã đang diễn ra.
Ước tính, cứ 5 người thì có khoảng 4 người thất nghiệp.
Tình hình tồi tệ tới mức có tin mỗi ngày có khoảng 3.000 người dân Zimbabwe vượt biên giới sang các nước láng giềng kiếm kế sinh nhai.
Và ngày càng nhiều người dân Zimbabwe phải sống nhờ vào sự tài trợ của người thân và bạn bè ở nước ngoài để có bữa ăn qua ngày.
Lạm phát phi mã
Lạm phát tại Zimbabwe gần 165.000% có nghĩa là giá một ổ bánh mỳ mua hôm nay đắt hơn khoảng 1.650 lần cách đây một năm.
Và giá cả vẫn đang tăng, một số lần đã tăng gấp đôi chỉ trong vài tuần, và thậm chí có lần tăng gấp đôi sau vài ngày.
Trong khi đó, tiền công không ở đâu tại Zimbabwe có thể theo kịp sự trượt giá này.
Giá một cây nến cao gấp hai lần mức tiền lương chính thức mỗi ngày Chính phủ trả cho một nhân viên nông trường, trong khi giá một quả chuối cao gấp 15 lần mức giá của một căn nhà có bốn phòng ngủ cách đây bảy năm.
Do vậy người dân đơn giản là không thể giữ tiền mặt. Khi họ kiếm được tiền, họ phải tiêu ngay bởi vì giá sẽ tăng mạnh thậm chí là sang ngày hôm sau.
Người dân đối phó với tình trạng này như thế nào?
Trao đổi buôn bán theo phương thức hàng đổi hàng ngày càng phổ biến tại Zimbabwe.
Kiều hối từ nước ngoài cũng ngày càng được chuyển nhiều về nước bằng hàng hóa. Một số trang web của các cửa hàng giờ đây cho phép người Zimbabwe ở nước ngoài đặt hàng lương thực trả bằng ngoại tệ và chuyển cho người thân trong nước.
Tương tự, với tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra phổ biến và giá tăng vọt – chưa nói tới tình trạng cắt điện, thường 20 giờ mỗi ngày - nhiều doanh nghiệp giờ đây phải đồng ý thanh toán tiền mua nhiên liệu bằng USD.
Theo quy định, một tỷ lệ lớn ngoại tệ được trao đổi theo tỷ giá chính thức phải được giữ lại trong những tài khoản mà Chính phủ Zimbabwe có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của Chính phủ.
Trong mọi trường hợp, tỷ giá trên thị trường phi chính thức hoặc "chợ đen" có thể cao gấp 20 lần mức tỷ giá chính thức.
Nguyên nhân dẫn đến suy sụp kinh tế
Đối với nhiều người, nguyên nhân chính của tình hình tồi tệ hiện nay là chương trình cải cách đất đai của Zimbabwe.
Hầu hết đất trồng trọt cho năng suất cao nhất tại Zimbabwe vẫn nằm trong tay những người da trắng sau khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1979, và trong những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ của Tổng thống Robert Mugabe đã xúc tiến việc thay đổi quyền sở hữu này.
Tuy nhiên đến năm 1999, trong bối cảnh hầu như chưa có một sự thay đổi lớn nào, Chính phủ Zimbabwe đã công bố các kế hoạch tịch thu đất trang trại người da trắng mà không cần đền bù - một quá trình bắt đầu ngay từ năm 2000.
Khi hàng trăm trang trại của người da trắng bị chuyển cho người da màu địa phương và các quan chức cấp cao của Chính phủ, năng suất, sản lượng ngũ cốc và thuốc lá xuất khẩu của Zimbabwe sụt mạnh.
Khoản chi tiêu ngân sách lớn của Zimbabwe cho sự can thiệp vào cuộc xung đột tại Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đã làm giảm mạnh ngân sách.
Kết quả là xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực và nguồn thu ngoại tệ giảm mạnh - cả từ nông nghiệp và du lịch, trong khi đó bạo lực gia tăng do chương trình cải cách đất đai.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Chính phủ Zimbabwe, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này không phải là do chương trình cải cách đất đai, mà là do sự phá hoại của phương Tây trong đó có Anh - quốc gia từng chiếm đóng Zimbabwe.
Chính phủ Zimbabwe cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với nước đã làm nền kinh tế suy sụp.
Các nước phương Tây cho rằng, các biện pháp này chỉ nhằm vào các nhà lãnh đạo Zimbabwe, chứ không phải vào nền kinh tế nước này.
Biện pháp đối phó khủng hoảng
Chính phủ Zimbabwe đã tiến hành một loạt các biện pháp để ngăn chặn kinh tế suy giảm.
Trong đó có áp đặt hạn chế về giao dịch ngoại tệ, định giá lại đồng dollar Zimbabwe, đưa vào sử dụng phiếu mua hàng thay cho tiền mặt, và gần đây nhất là áp đặt kiểm soát giá nghiêm ngặt.
Chính phủ cũng đã quy định phải giảm giá 50% đối với nhiều hàng hóa và hàng nghìn doanh nhân đã bị bắt vì định giá hàng hóa ở mức mà Chính phủ coi là đầu cơ trục lợi.
Chính phủ Zimbabwe cũng lập kế hoạch "bản xứ hóa" các doanh nghiệp nước ngoài để bảo đảm người Zimbabwe da đen nắm kiểm soát phần lớn đối với các doanh nghiệp này.
Tổng thống Mugabe đã cam kết in nhiều tiền hơn nữa, nếu các dự án của Chính phủ cần có thêm tiền.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những biện pháp đối phó với khủng hoảng nói trên đã không mang lại hiệu quả.
Lạm phát phi mã đã tác động tới giá nguyên vật liệu, tiền công và giá bán lẻ hàng hóa.
Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng với mức giá mà Chính phủ yêu cầu, đơn giản là họ không thể có khả năng để sản xuất hoặc mua nguyên vật liệu.
Báo chí Zimbabwe đưa tin, kết quả là việc tích trữ hàng hóa vẫn diễn ra; sự chen lấn xô đẩy diễn ra bất cứ khi nào một cửa hàng bán một mặt hàng thiết yếu như dầu ăn hoặc ngô; cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn.
Mỗi khi có tin một cửa hàng nào đó mới nhập về một mặt hàng
thiết yếu, cảnh chen lấn xô đẩy tranh mua lại diễn ra.
Những hạn chế nhập khẩu cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, bởi vì sản lượng trong nước sụt giảm mạnh có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu thường là những mặt hàng duy nhất có trên các giá bán hàng.
Trong khi đó, việc in thêm nhiều tiền đơn giản là sẽ làm tăng thêm lạm phát.
Một số nhà kinh tế cho rằng tình hình này sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Zimbabwe.
Những người hưởng lợi
Một số người mua đi bán lại thu lợi lớn từ thị trường chợ đen. Chẳng hạn như những người có những mối quan hệ tốt có thể mua dollar Zimbabwe với tỷ giá chính thức theo quy định của Nhà nước và bán nó cho những người cần với mức giá cao hơn nhiều trên thị trường chợ đen.
Sở giao dịch chứng khoán Zimbabwe cũng đang hoạt động náo nhiệt. Đây là một trong những sở giao dịch vận hành hiệu quả nhất trên thế giới trong những năm gần đây.
Khi Chính phủ in thêm tiền, lãi suất không theo kịp lạm phát tăng vọt, những tài sản như chứng khoán là một trong số ít những mặt hàng mà người dân Zimbabwe có thể đổ tiền vào để bảo quản nguồn thu nhập kiếm được của họ.
Kết quả là giá cổ phiếu tăng thậm chí nhanh hơn chỉ số giá hàng hóa bán lẻ.
Nhiều cửa hàng ở Nam Phi cũng được hưởng lợi từ sự khan hiếm hàng hóa ở Zimbabwe.
Khi hàng hóa ngày càng khan hiếm hơn, người dân Zimbabwe phải ra nước ngoài để mua hàng dự trữ và họ không chỉ tới các cửa hàng tại các thành phố gần biên giới.
Và hàng triệu người dân Zimbabwe sinh sống tại Nam Phi cũng đang mua hàng để gửi về nước.