Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Bài 4: Trỗi dậy trong trật tự kinh tế toàn cầu mới

Kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy chưa có hồi kết với đỉnh điểm là xung đột ở Ukraine bất ngờ nổ ra giữa lúc nhân loại vẫn dốc sức chống chọi đại dịch Covid-19. Trong một thế giới ngày càng bất định, Việt Nam nổi lên như một địa chỉ tin cậy nhờ khả năng duy trì ổn định chính trị, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô.

Sản xuất ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên (Ảnh: Trần Hải).
Sản xuất ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên (Ảnh: Trần Hải).

Đây là thời cơ để chúng ta quyết liệt, tự tin đẩy nhanh tiến trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường thế và lực của đất nước như mục tiêu, tầm nhìn đặt ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Có mặt tại hội nghị thu hút đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2020-thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu “gây sát thương” lớn cho nhiều nền kinh tế thế giới, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV), ông Kim Huat Ooi vui mừng thông báo mặc dù chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đứt gãy do đại dịch, khối lượng sản xuất của Intel Việt Nam vẫn tăng 30%, đóng góp vào 75% tổng khối lượng sản xuất chung của tập đoàn.

Ông Kim Huat Ooi nhắc lại câu chuyện 15 năm trước khi Intel phải cân nhắc giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan để cuối cùng quyết định chọn Việt Nam và nhấn mạnh: “Việc chúng tôi đến Việt Nam đầu tư và hoạt động đã là một thành công cực kỳ lớn”.

Vịnh tránh bão trong cơn biển động

Dòng đầu tư của Intel thời kỳ đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho Samsung và các tập đoàn công nghệ cao của thế giới vào Việt Nam, góp phần xây dựng thành công nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu vì đại dịch, Intel, Samsung, LG… vẫn tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam bên cạnh nhiều dự án tỷ USD mới từ những tên tuổi lớn khác. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Những chính sách kịp thời của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế đã củng cố niềm tin đó, giữ dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam không sụt giảm mạnh trong biến động chung toàn cầu.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright) dùng hình ảnh “Việt Nam như một vịnh tránh bão trong cơn biển động” để nói về vị thế đặc biệt của nền kinh tế trong một thế giới đầy rủi ro, bất trắc: “Đây là lần đầu tiên trong 20 năm, cả thế giới có sự suy giảm nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô, vẫn vững vàng dù tất cả các cú sốc bên ngoài đều dội vào. Chứng tỏ chúng ta đã có sự chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế đã tốt hơn”.

Nhưng đồng tiền có hai mặt. Sự phát triển không đồng tốc giữa FDI và khu vực trong nước dẫn đến rủi ro nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào vốn ngoại, trở thành vấn đề cần giải quyết cấp bách để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

Quý I/2017, sự cố lỗi pin của sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Note 7 đã khiến kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước lần đầu tiên tăng trưởng âm hơn 10%, kéo giảm mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%. Quý III/2017, Samsung Việt Nam đưa sản phẩm Samsung Galaxy Note 8 bán ra thị trường và Nhà máy thép Formosa khắc phục xong sự cố môi trường, đi vào hoạt động, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lần đầu tiên tăng trưởng 12,77%, có tác dụng làm GDP tăng trưởng đột phá 7,46% và 7,65% trong hai quý còn lại. GDP tăng trưởng trồi sụt theo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI lớn và những người làm công tác thống kê cũng thừa nhận, chưa bao giờ dữ liệu kinh tế lại ghi nhận sự biến động bất thường như năm 2017. Tỷ lệ đóng góp của Samsung và Formosa vào mức tăng chung của giá trị sản xuất công nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 là 46%, đến cùng kỳ năm 2018 chỉ còn 28%. Bên cạnh đó là những hạn chế nội tại của nền kinh tế như độ mở kinh tế cao, xuất khẩu phụ thuộc một số thị trường lớn, tăng trưởng GDP có xu hướng đi vào chu kỳ giảm, thị trường tài chính đối mặt với nhiều rủi ro, kéo theo nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô…

Đó là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự trước tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cùng lúc phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp ở tầm chiến lược lâu dài. Lời giải cho bài toán này là đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Những bước đi cụ thể đã được đặt ra trong chương trình hành động của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, gắn với mục tiêu tổng quát tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong quá trình cơ cấu lại kinh tế, đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60 nghìn-70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%, ít nhất có 5-10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Quan trọng hơn, Chính phủ đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thiết lập được sự kết nối doanh nghiệp giữa các thành phần kinh tế trên cơ sở cơ cấu lại và phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước cùng với phát triển doanh nghiệp tư nhân gắn với chuyển đổi số và phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp FDI bằng cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp trong nước. Tạo lập môi trường kinh doanh ổn định và thông thoáng, qua đó giải phóng năng lực, làm bừng nở nguồn lực kinh tế tư nhân, phục hồi tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực FDI.

Từ tuân thủ đến thiết lập “luật chơi” toàn cầu

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, nhưng mỗi thời kỳ đều có những điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, khi thế giới chưa được phân chia rõ theo các cực thì kinh tế tự chủ là sự liên kết với các nước xã hội chủ nghĩa trong một chuỗi khép kín, tự cung, tự sản xuất và tự bảo đảm cho nền kinh tế. Bước sang thế kỷ 21, khái niệm kinh tế độc lập tự chủ, theo các nghị quyết của Đảng, là nền kinh tế mà các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời được thảo luận về các giá trị đã đóng góp trong chuỗi để có được lợi nhuận. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực nông nghiệp chúng ta có thể tương đối tự chủ, có thể mặc cả hay tham gia định giá vì có số lượng hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn như gạo, cà-phê, các lĩnh vực còn lại vẫn chưa đạt được sự tự chủ. Cần đổi mới quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp để tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, đây là phương thức không tốn kém kinh phí mà tận dụng được các nguồn lực hiện có, đặc biệt là có dư địa từ củng cố bộ máy quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong quá trình thực hiện bài viết này, hiện có nhiều ý kiến từ cơ sở, tổ chức nghiên cứu và giới chuyên gia kinh tế nhận định tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến rất nhanh chóng và phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Cần làm rõ nội hàm về nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có các tiêu chí đánh giá mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp hiệu quả để xây dựng thành công nền kinh tế Việt Nam có nội lực và năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, có khả năng thích ứng và chống chịu được trước những biến chuyển và tác động bất lợi từ bên ngoài.

Từ thực tiễn nghiên cứu chuyên đề phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, điều kiện cần và đủ đối với một nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải đáp ứng được các tiêu chí về thể chế cũng như về thực lực và tiềm lực kinh tế. Về thể chế là sự độc lập, tự chủ trong xây dựng, triển khai lộ trình, bước đi hội nhập quốc tế. Khi hội nhập quốc tế sâu rộng, phải tuân thủ “luật chơi” chung của kinh tế toàn cầu và khu vực. Dưới góc độ này, độc lập, tự chủ kinh tế chính là chủ động tìm và xác lập một vị thế phù hợp trong hệ thống kinh tế thế giới, tham gia kiến tạo “luật chơi”, đồng thời biết vận dụng sáng tạo “luật chơi”, cam kết quốc tế phù hợp điều kiện và khả năng của đất nước. Tiềm lực kinh tế thể hiện ở năng lực cạnh tranh cao ở cả cấp độ nền kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm quốc gia; có năng lực chống chịu, trụ vững và phục hồi trước các cú sốc hoặc tình huống bất lợi. Muốn vậy, cần có nguồn lực vật chất thiết yếu để bảo đảm được các cân đối lớn, an ninh kinh tế như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính tiền tệ… Với cách tiếp cận như thế, cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế thông qua các giải pháp thực hiện ba khâu đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh chất lượng của nền kinh tế; duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Một cách khái quát, nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao, ít bị tổn thương trước những biến động của tình hình quốc tế, trong bất cứ tình huống nào cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Soi vào thực tiễn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, không khó để nhận ra những yêu cầu cấp bách về nâng cao tính độc lập, tự chủ đang hiện hữu trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đơn cử ngành điện lực: Tại thời điểm lập kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự tính giá dầu thô ở mức 74 USD/thùng, giá than khoảng 120 USD/tấn nhưng đầu quý II/2022, giá dầu thô tăng lên 105 USD/thùng, giá than tăng gấp ba lần do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine. Dự tính cả năm 2022, EVN có thể mất cân đối tài chính khoảng 27 nghìn tỷ đồng-63 nghìn tỷ đồng từ phát sinh chi phí tăng thêm do biến động giá dầu thô và giá than thế giới do là nước nhập khẩu ròng năng lượng. Nhưng Việt Nam cũng đi trước rất nhiều quốc gia khi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nên việc bảo đảm an ninh năng lượng và thực thi cam kết COP26 là một thách thức rất lớn. Bài toán bảo đảm an ninh năng lượng vì thế đang được xem xét, điều chỉnh lại cả về cách đặt đầu bài lẫn phương án giải quyết. Thuận lợi là ở chỗ, Chính phủ đang trong thời điểm xây dựng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 2050 nên sẽ có cơ hội dịch chuyển nhanh sang năng lượng tái tạo để ứng phó nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Là chuyên gia tham vấn chính sách vĩ mô nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên chọn hình ảnh gần gũi để nói về vị thế của đất nước ở giai đoạn đặc biệt này: Kinh tế Việt Nam vững vàng trong dông bão. Trong vòng xoáy bất ổn toàn cầu, Việt Nam xác định “trong nguy có cơ”, luôn tìm năng lực mới, cách thức mới để trụ vững và đứng lên. Tâm thế đó mang đến cho đất nước cơ hội trỗi dậy, xoay chuyển tình thế trong một trật tự kinh tế mới đang được thiết lập lại. Sau đại dịch, Việt Nam không chỉ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế mà là phục hồi và phát triển, nghĩa là tận dụng cơ hội để bứt lên đua tranh. Chúng ta đang có đà, có thế và hơn tất cả là có khát vọng rất mạnh mẽ để trỗi dậy. Đây là nền tảng giúp nền kinh tế bứt phá, cần nắm lấy cơ hội và hành động quyết liệt để xoay chuyển tình thế, chấp nhận nghĩ khác, làm khác, bước ra ngoài vùng an toàn để tạo nên những giá trị mới ■

Bài 3: Nâng cao sức chống chịu của thị trường tài chính

Bài 2: Tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Bài 1: Lời giải cho bài toán năng lượng