Đó là vận động nhân dân hiến đất “Giải phóng không đồng”, tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, chọn nhà thầu có kinh nghiệm, có năng lực thi công tốt, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng và tiến độ, nhanh chóng đưa các công trình trọng điểm vào hoạt động, góp phần giải ngân vốn đầu tư công.
Phát triển mạnh kết cấu hạ tầng
Giai đoạn 2021-2025, có 26 dự án, công trình trọng điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư (tổng mức đầu tư gần 13.300 tỷ đồng), trong đó có 17 dự án, công trình hạ tầng giao thông (tổng mức đầu tư là 9.800 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 65,38% số dự án trọng điểm và chiếm 73,68% tỷ trọng vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025.
Những dự án như trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và các ban Đảng, Trung tâm Hội nghị tỉnh, các trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, nhà thi đấu đa năng... được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới.
Với vai trò đi trước mở đường, hạ tầng giao thông của tỉnh những năm qua phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình giao thông đường bộ có tính kết nối vùng, liên vùng, có tính lan tỏa và kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai...
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Việt Dũng cho biết, ngành đã thực hiện nghiêm túc một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19 xác định: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, trọng tâm là lĩnh vực giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đến nay, một số dự án giao thông trọng điểm đã được đưa vào khai thác, sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như: Cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái, đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
Yên Bái đã tập trung, huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn theo Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2021-2025, gắn với ba Chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn vốn và nguồn nội lực trong nhân dân để thực hiện.
Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh đã kiên cố hóa mặt đường bê-tông xi-măng được 1.946/2.000 km, đạt 97,3% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra, nâng tổng số chiều dài km đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa lên 6.186/8.091 km, đạt 76,46%.
Tại huyện Lục Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đinh Khắc Yên cho hay, năm 2023 đã kiên cố hóa được hơn 105 km giao thông nông thôn, với nguồn vốn xây dựng gần 183 tỷ đồng (nhân dân đóng góp hơn 25 tỷ đồng). Đến nay, Lục Yên có 858,47 km giao thông được kiên cố, từ vốn đầu tư công hiệu quả, sự đồng lòng, góp sức của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đã có 15/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Vốn đầu tư công tập trung vào xây dựng trường học, trung tâm cụm xã, cụm công nghiệp tập trung chế biến đá trắng, kết nối giao thông liên vùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số trong vùng. Bác Đỗ Trọng Thủy, 71 tuổi, thôn Loong Tra, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên phấn khởi chia sẻ: Quê tôi đổi thay nhiều lắm, đường bê-tông về từng ngõ, ban đêm có đèn thắp sáng đường quê, các công trình phúc lợi giúp con em được đi học và chăm sóc sức khỏe từ bé; các công trình thủy lợi như Noong Phai, Từ Hiếu, Làng Át đủ nước tưới và nước sinh hoạt cho dân; nhờ đó, đời sống của đồng bào Tày, Nùng trong vùng có đời sống khấm khá, không còn đói nghèo như xưa.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đoàn Hữu Phung đánh giá, cùng với việc đầu tư phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án, chương trình, đề án của tỉnh và đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực.
Năm 2022, giải ngân đạt 4.825,1/5.510,6 tỷ đồng, bằng 87,56% kế hoạch vốn giao, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2023 giải ngân đạt 5.291,5/5.989 tỷ đồng, bằng 88,35%, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Đến hết ngày 31/5/2024, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 1.159,7/5.548 tỷ đồng, bằng 20,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; riêng đối với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân đạt 982,8/3.817,5 tỷ đồng, bằng 25,75%, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
Công trình cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công, kinh phí 115 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối tháng 12/2023, vượt tiến độ trước 6 tháng, thay thế cho cây cầu sắt chịu tải 30 tấn bắc qua sông Chảy. Cầu có chiều dài 159m, đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 523m, được thiết kế vĩnh cửu gồm 3 nhịp dầm, kết cấu khung bê-tông cốt thép dự ứng lực.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Công ty TNHH Vận tải và Đầu tư xây dựng TLK cho biết, nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc làm việc 3 ca, 4 kíp. 29 hộ dân xã Tân Lĩnh và Tô Mậu có diện tích đất đã đồng thuận việc giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng dù chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù. Cầu đưa vào sử dụng đã đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Lục Yên, khẳng định nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định: Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác để giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính. Tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, chọn các nhà thầu đủ năng lực để tổ chức thực hiện.
Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng được cấp ủy chính quyền vào cuộc tháo gỡ, nhất là xử lý tài sản trên đất rừng tự nhiên, đất canh tác trên nương rẫy vùng dân tộc thiểu số, được giải quyết hài hòa, không xảy ra khiếu kiện, tranh chấp tài sản trên đất. Yên Bái đã triển khai quy hoạch vùng một cách căn cơ, bài bản, nhất là quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040, theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.