Ý tưởng “hóa thân thành gió…” đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU

NDO -

Với ý tưởng “hóa thân thành gió…”, em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) đã được Ban tổ chức trao giải nhất Quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 (2022) tại Việt Nam, chiều 9/5.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Hải Thanh trao giải Nhất cho em Nguyễn Bình Nguyên.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Hải Thanh trao giải Nhất cho em Nguyễn Bình Nguyên.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức với chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”.

Đây là lần thứ 34 cuộc thi được tổ chức ở Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức.

Chủ nhân của bức thư đoạt giải nhất đã chọn ý tưởng hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Bức thư là một áng văn bay bổng với thông điệp: Âm nhạc sẽ làm dịu bầu không khí căng thẳng về khủng hoảng khí hậu khắp toàn cầu. Âm nhạc có “quyền lực mềm” giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường sống.

Ban tổ chức đã dịch bức thư của em Nguyễn Bình Nguyên ra tiếng Pháp, gửi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ dự thi Quốc tế.

Cuộc thi được phát động và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Ban tổ chức đã nhận được gần một triệu bức thư dự thi của các em học sinh trên 62 tỉnh, thành phố tham gia. Chủ đề cuộc thi năm nay về biến đổi khí hậu, là vấn đề nóng bỏng toàn cầu và liên quan trực tiếp đời sống xã hội, đến từng cá nhân nên nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, chủ đề yêu cầu viết thư “gửi cho một người có tầm ảnh hưởng” nên đối tượng nhận thư được các em lựa chọn khá phong phú và bất ngờ. Đó là những người có vai trò, vị trí và trách nhiệm mang tính toàn cầu như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guitares, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh COP 26 Alok Sharm hay lãnh đạo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu Heosung Lee,… hay các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các nghệ sĩ, tỷ phú, thậm chí cả những nhân vật thần thoại...

Ý tưởng “hoá thân thành gió…” đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU -0
 Ban tổ chức trao thưởng cho các em học sinh đạt giải Cây bút triển vọng. 

Phần “cách thức” mà các em nêu ra và thôi thúc nhân vật hành động là phần thú vị trong các bức thư. Các em đều nhấn mạnh, câu chuyện biến đổi khí hậu không phải vấn đề một quốc gia hay một cá nhân có thể giải quyết được mà là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, của loài người, khi cùng sinh sống và hít thở chung bầu khí quyển của Trái Đất.

Các em đề xuất cần ban hành và thực thi những chính sách mạnh mẽ và quyết liệt để bảo vệ Trái Đất; mong muốn các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ có tác phẩm truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên; cổ vũ lối sống xanh, sống tiết kiệm và tối giản; xây dựng mô hình sản xuất xanh, ưu tiên các sản phẩm tái chế,…

Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng, Phó trưởng Ban Giám khảo Đỗ Thị Thanh Bình cho biết, những bức thư vào chung khảo được đánh giá cao, là những bức thư có sự sáng tạo, cảm xúc riêng biệt, tạo ấn tượng với người đọc.

Nhiều bức thư thể hiện dưới hình thức “hóa thân” thành gấu trúc, cây phi lao nhỏ, Trái Đất, tảng băng trôi, chú hổ nhỏ, khủng long song sinh,... Nhiều bức thư được viết như một dự án môi trường, một bài hùng biện, một lời tâm tình hay những câu chuyện nhỏ giản dị, đầy tính bất ngờ.

Tuy nhiên, cuộc thi năm nay còn một số hạn chế, nhiều em đã sao chép hoặc mượn ý tưởng từ các bức thư mẫu tràn lan trên mạng internet để đưa vào bức thư của mình. Việc này khiến các vòng chấm giải tốn nhiều thời gian để phát hiện “bắt lỗi” các bài copy. Nhiều địa phương có số lượng bài dự thi lớn nhưng không có bài vào vòng chung khảo, do thư viết sai thể lệ (quá số lượng chữ quy định), sao chép trên mạng, thư viết đơn giản (kiểu bài tập làm văn ở lớp), chưa đầu tư để có một bức thư sáng tạo,...

Sau năm vòng chấm, Ban Giám khảo Quốc gia đã chọn 100 bài vào vòng chung khảo, chọn ra một giải nhất, ba giải nhì, năm giải ba, 30 giải khuyến khích, 61 giải Cây bút triển vọng và hai giải dành cho thí sinh là người khuyết tật.

Các em đoạt giải nhất, nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.