Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, quyền Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết, sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Phú Yên đã tích cực trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong nước, qua đó đã tạo được bước phát triển tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt hơn 2 triệu lượt tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.536,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Điều đó có thể khẳng định, du lịch Phú Yên đang phục hồi mạnh mẽ, trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục trên đà phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, những năm qua, tỉnh Phú Yên đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch; từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng và các dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện... bước đầu tạo ra diện mạo mới, tạo lợi thế cạnh tranh hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và Phú Yên.
Cụ thể, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ trong công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh; tích cực tham gia các sự kiện du lịch của các địa phương; tăng cường chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức nhiều sự kiện cho các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Phú Yên đến đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Bạc Liêu là cơ hội tốt để giới thiệu thế mạnh du lịch của tỉnh và cùng bàn các giải pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu du lịch Phú Yên, tạo cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối du lịch liên vùng với 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và các vùng trọng điểm du lịch khác trên cả nước.
Về phát triển sản phẩm, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần ưu tiên phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách như: Du lịch biển gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp, mang tính cá nhân hóa cao; Du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các di sản văn hóa quốc gia; Du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, khu rừng cấm bắc Đèo Cả; Du lịch khám phá kết hợp ẩm thực, mua sắm...