Xuất khẩu gạo: Những “mảng màu” sáng tối

NDO - Bức tranh xuất khẩu gạo trong 3 quý đầu tiên của năm 2024 có nhiều tin vui, nhưng cũng không ít những “cơn sóng”, khiến mục tiêu đề ra cho cuối năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu gạo xen lẫn cả tín hiệu tích cực và tín hiệu ít khả quan.
Xuất khẩu gạo xen lẫn cả tín hiệu tích cực và tín hiệu ít khả quan.

Gạo Việt khơi mở những thị trường mới

Nhận thấy Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung cấp nhiều gạo nhất cho Canada, mới đây, Công ty KD Trading Kevin Le đã nỗ lực để đưa hạt gạo ST25 vào Canada. Đến nay, KD Trading Kevin Le đã đạt được thỏa thuận là nhà nhập khẩu sản phẩm này vào thị trường Canada.

Để nhập khẩu gạo ST25 của Việt Nam vào Canada không dễ, do đó, KD Trading Kevin Le đã tiến hành khảo sát thị trường rất kỹ lưỡng. Đồng thời, xác định thị trường Canada hiện tại có nhiều loại gạo khác nhau, nên công ty phải có những chiến lược cạnh tranh cụ thể và dài hạn để gạo ST25 được chấp nhận.

Bằng việc tận dụng tối đa uy tín khi ST25 đã 2 lần đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và 2023, KD Trading Kevin Le đang tràn đầy tự tin đưa hạt gạo Việt Nam vào quốc gia được đánh giá là khó tính thuộc Top đầu thế giới.

Việc một doanh nghiệp Việt kiều đạt được thỏa thuận đưa gạo Việt vào Canada tiếp tục nối dài niềm vui cho gạo Việt. Nguyên nhân là bởi dù Canada chưa phải là thị trường quá lớn của gạo Việt, song với tiêu chuẩn, đòi hỏi cao, nếu xuất khẩu thành công vào thị trường này, gạo Việt tràn đầy cơ hội đến nhiều thị trường khác.

Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, kim ngạch 4,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 9 tháng so với năm 2003 tăng 23%. Xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng trên bức tranh kinh tế.

Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, có thể thấy, sau khi xuất khẩu gạo đạt liên tiếp trên 1 triệu tấn/tháng trong tháng 3 và tháng 4, trong các tháng gần đây đã chững lại ở mức trên dưới 800.000 tấn/tháng. Tính chung 9 tháng năm 2024, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 6,96 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 4,35 tỷ USD, tăng 23%.

Bên cạnh đó, ngày 23/10, Công ty nhà nước của Chính phủ Indonesia, Perushaan Umum (Perum) - đơn vị được Bulog ủy quyền đã phát đi thông báo số PU-11/DP000/PD.04.01/10/2024 về hủy đấu thầu nhập khẩu gạo 2024.

Thông báo viết “Căn cứ thư mời thầu số: PU-10/DP000/DP.04.01/10/2024 ngày 22/10/2024, chúng tôi xin thông báo cuộc đấu thầu đã bị hủy”.

Được biết, đây là lần thứ 9 trong năm 2024, Bulog mời thầu nhập khẩu gạo quốc tế, nhưng ở lần này đã bị hủy bỏ. Theo đó, cơ quan Bulog của Indonesia đã điều chỉnh nội dung ban hành đợt đấu thầu quốc tế, muốn mời thêm Ấn Độ tham gia, thay vì chỉ mua gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Pakistan như các lần mời thầu trước đây.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 của Ấn Độ được nâng lên 3 triệu tấn, lên 21 triệu tấn và xuất khẩu gạo của Brazil, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam được hạ thấp hơn trước.

Thêm nữa, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng qua chỉ đạt 241.000 tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn giữ vị trí là một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt, cho nên việc thị trường này giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ có tác động nhất định đến hoạt động xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương thông tin, vừa qua, Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo. Với vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, động thái này của Ấn Độ chắc chắn ảnh hưởng đến giá xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp, hiệp hội đã theo dõi sát sao động thái này để không bị động.

Cơ hội nào cho cuối năm?

Việc Ấn Độ nới lỏng lệnh xuất khẩu gạo đã và đang gây nên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp gạo Việt Nam, song, theo các chuyên gia, “chìa khóa” để hóa giải chính là “quả ngọt” từ lộ trình chuyển đổi sang gạo chất lượng cao, gạo thơm đã được các bộ, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai thời gian qua.

Theo đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp đang thực hiện chủ trương chuyển sang sản xuất các loại gạo chất lượng cao, gạo có tính đặc thù như gạo thơm. Điều này giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm, không bị “đụng hàng” với các loại gạo Ấn Độ xuất khẩu và hạn chế được khả năng bị ảnh hưởng.

Hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu. Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu.

Đơn cử, giữa tháng 10 vừa qua, hơn 1.000 tấn gạo chất lượng cao của doanh nghiệp đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ đầu tháng 10 với giá bán khoảng 800 USD/tấn. Mặc dù đây là dòng gạo giá cao, doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu thành công trong bối cảnh cạnh tranh nhờ liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân để bảo đảm sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Theo thông tin từ Tập đoàn Tân Long, thời gian qua, giá một số loại gạo xuất khẩu có xu hướng giảm trước việc Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, tuy nhiên, tình trạng giảm chủ yếu với thấp cấp. Đối với gạo cấp trung và cấp cao, các loại gạo thơm không bị tác động nhiều, vì đây là phân khúc khác và doanh nghiệp nhắm vào các thị trường khó tính cũng như các thị trường đòi hỏi chất lượng cao hơn.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu gạo cuối năm, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho hay, xuất khẩu gạo vẫn sẽ là điểm sáng của kinh tế. Do đó, doanh nghiệp phải bám sát các thông tin về diễn biến của thị trường, sự thay đổi của người tiêu dùng để tìm các thị trường ngách.

“Với vị thế của mình, tôi tin rằng các bạn hàng vẫn sẽ tìm đến hạt gạo Việt Nam”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nói.