Quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Xuân Lộc luôn xác định người dân là chủ thể và cũng là đối tượng thụ hưởng thành quả. Đến nay, Xuân Lộc đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 9/14 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp
Sau nhiều năm phải chật vật với thị trường đầu ra, từ năm 2020 hơn 20 hộ dân tại xã Suối Cát đã liên kết thành lập Hợp tác xã ca-cao Suối Cát để sản xuất sản phẩm ca-cao sạch.
Sau khi có vùng nguyên liệu, được hướng dẫn kỹ thuật và bảo đảm tài chính, bà con nơi đây đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ chế biến sâu hạt ca-cao thành các sản phẩm phục vụ cho thị trường, như: Bột ca-cao, socola, son môi và nhiều loại thức uống đóng chai.
Giám đốc Hợp tác xã ca-cao Suối Cát Trương Văn Mỹ cho biết, đơn vị đã ký kết tiêu thụ với hai công ty của Pháp cho nên luôn bảo đảm sản phẩm làm ra của xã viên. Từ 20 thành viên khi mới thành lập, đến nay đã có gần 100 xã viên với tổng diện tích hơn 100 ha.
Hiện tại, hợp tác xã đang áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ để sản phẩm được công nhận xuất khẩu qua thị trường này trong thời gian tới. Không chỉ vươn lên làm giàu cho chính mình, các thành viên hợp tác xã còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm đối với người dân đến tìm hiểu quy trình canh tác và cách chế biến ca-cao.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch được phát triển rộng khắp trên địa bàn.
Đến nay, huyện có hơn 340 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 24 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; 135 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng lạnh, an toàn sinh học, khép kín; 23 sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp ở huyện Xuân Lộc đạt 343 triệu đồng, cao hơn so mặt bằng chung của tỉnh Đồng Nai và cả nước. Đặc biệt, đối với các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức thu nhập mỗi năm đều đạt từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 83,6 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, qua bốn năm thực hiện đề án huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, huyện Xuân Lộc đã huy động được hơn 33,7 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực.
Trong đó, hơn 87% là vốn huy động từ các nguồn lực xã hội, còn lại từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, điện phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, Xuân Lộc đã quy hoạch, phát triển được bốn vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích hơn 25.000 ha.
Đồng thời, đã kêu gọi được một số nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp của địa phương, nhất là các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Huyện cũng đang nỗ lực xây dựng nhiều chuỗi liên kết, tạo nhiều nhãn hiệu hàng hóa, mã vùng trồng cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản lượng hàng hóa nông nghiệp lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Người dân là chủ thể và đối tượng thụ hưởng
Xuân Phú là một trong những xã của huyện Xuân Lộc đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là thành quả đạt được sau khi địa phương này chọn làm kiểu mẫu về hạ tầng-phát triển sản xuất-nâng cao thu nhập.
Theo đó, bước vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Xuân Phú tập trung đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất để tăng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường cũng được chú trọng đầu tư.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú Nguyễn Thị Thủy cho rằng, muốn huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thì vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên để dân tin, dân ủng hộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt có vai trò rất quan trọng.
Từng cán bộ, đảng viên phải thật sự là những người nêu gương, nòng cốt đi đầu, nhất là trong những việc khó như huy động đóng góp, giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường.
Việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ tạo cho Xuân Phú sức bật mới, mà còn tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên với người dân. Ông Nguyễn Tiến Chung, ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú chia sẻ, đời sống người dân được nâng lên rất rõ rệt, đường giao thông đi lại thuận tiện hơn nhờ được đầu tư nhiều.
Chúng tôi luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong giữ vững nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi lẽ, những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay mỗi người dân đều được thụ hưởng.
Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Xuân Lộc chú trọng hình thành nhiều khu dân cư kiểu mẫu. Đơn cử tại Ấp 4, xã Xuân Tâm sau một thời gian được chọn để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, hạ tầng đường sá, trường học, các thiết chế văn hóa, khu thể thao, giải trí phục vụ người dân được đầu tư hoàn thiện.
Bà Nguyễn Thị Quý, Ấp 4, xã Xuân Tâm phấn khởi cho biết: “Đến nay, địa bàn ấp đã đổi thay rất nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bản thân tôi rất tự hào khu dân cư kiểu mẫu của Ấp 4 là một nơi đáng sống”.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn đang quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu để trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp trước thời gian so với kế hoạch đề ra vào năm 2025.
“Chúng tôi luôn xác định, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu cuối cùng là đời sống người dân được nâng lên. Người dân là chủ thể, là đối tượng thụ hưởng trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, Bí thư Huyện ủy Lê Kim Bằng nói.