Xử phạt nặng người uống rượu bia tham gia giao thông

NDO -

NDĐT- Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về việc tăng mức xử phạt đối với người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có hiệu lực từ ngày 1-8, đến nay đã được lực lượng chức năng đồng loạt ra quân xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân, quy định này vẫn còn khá mới mẻ. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vô tư sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, không ít người tỏ ra khá “sửng sốt” vì mức phạt khi bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm.

Đội CSGT số 5 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông trưa 18-8.
Đội CSGT số 5 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông trưa 18-8.

“Tá hỏa” nhận mức phạt

Trong đợt thực hiện cao điểm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) - an ninh trật tự dịp Quốc khách 2-9, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội hướng trọng tâm vào việc xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, sau hai ngày ra quân (ngày 16 và 17-8), Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã xử lý 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 46 phương tiện.

Anh Đinh Như Sau (ở Đông Anh, Hà Nội) khá "sốc" khi nhận mức phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe bảy ngày, tước giấy phép lái xe (GPLX) hai tháng của CSGT. Anh này cho biết mới chỉ uống một, hai cốc bia ở nhà bố vợ và đang trên đường về nhà thì bị lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy anh Sau đã vi phạm 0,781 mg/lít khí thở.

Xử phạt nặng người uống rượu bia tham gia giao thông ảnh 1

Anh Đinh Như Sau ở Đông Anh, Hà Nội (mặc áo sơ mi xanh) hoàn toàn bất ngờ về mức phạt mình sẽ phải thực hiện vì "chót uống chút rượu cho vui"

Cũng giống như anh Sau, lái xe Lê Quang Đạo (ở Châu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) không khỏi “giật mình” khi bị phạt vì nồng độ cồn trong máu là 0,64mg/lít khí thở, mức phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe bảy ngày, tước GPLX hai tháng.

“Không ngờ tôi mới chỉ uống chút xíu mà bị phạt cao đến thế, tôi nghĩ mình vẫn đủ tỉnh táo để lái xe, vậy mà nồng độ cồn đo được lại cao như vậy…”, anh Đạo biện minh.
Khá nhiều người tham gia giao thông khi bị lực lượng chức năng kiểm tra đã tỏ ra rất bất ngờ về mức phạt mình phải nhận. Hầu hết những người vi phạm này đều khai mới chỉ uống một đến hai cốc bia, rượu, tuy nhiên kết quả kiểm tra nồng độ cồn đã khiến họ phải nhận mức phạt không ngờ tới.

“Mạnh tay” với xe công

Đại úy Đặng Hồng Giang, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 5 ( Công an TP Hà Nội) cho biết, để thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm có hiệu quả, Đội đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như bố trí lực lượng mật phục hóa trang tại điểm khu vực quán bia, rượu. Ngay sau khi người uống rời quán, lực lượng này sẽ báo cho Tổ công tác tại các chốt tuần tra kiểm soát (TTKS) để dừng xe, kiểm tra.

Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn như bảo vệ quán rượu, bia ngầm báo cho khách. Do đó, những vị khách này sẽ “cố thủ” tại quán, chỉ đến khi lực lượng CSGT rút thì họ mới ra về. Hoặc nhiều người có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng thường gây khó khăn, bất hợp tác với lực lượng CSGT. Do đó, lãnh đạo Đội đã quán triệt lực lượng làm nhiệm vụ luôn giữ tư thế, tác phong, không đôi co với người đang say rượu. Đồng thời, cũng phải đủ bình tĩnh, tỉnh táo, đủ trình độ nghiệp vụ đấu tranh với người vi phạm.

Xử phạt nặng người uống rượu bia tham gia giao thông ảnh 2

Kể cả xe công cũng bị kiểm tra nếu có dấu hiệu lái xe vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Đại úy Giang cũng cho biết, để triển khai thực hiện cao điểm, Đội đã tiến hành rà soát các tuyến đường trên địa bàn tập trung nhiều quán bia, nhà hàng, quán karaoke có dấu hiệu vi phạm nhiều. Trước khi triển khai kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, Đội đã thông báo cho Công an các quận trên địa bàn khi có các đối tượng chống đối sẽ tiến hành hỗ trợ bắt giữ.
“Kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn được triển khai và thực hiện trên toàn quốc nên chúng tôi tiến hành xử lý đối với tất cả các đối tượng và người vi phạm, không kể xe biển xanh hay biển đỏ, làm sao để bảo đảm tính thượng tôn pháp luật và tất cả mọi người đều như nhau”, Đại Úy Giang nhấn mạnh.

Người tham gia giao thông cần tự ý thức để bảo vệ mình

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong xử lý vi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua, Đại úy Giang cho biết “Nhiều người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông họ cũng biết về nghị định 146/2016/NĐ-CP, nếu vi phạm về nồng độ cồn, sẽ bị xử lý rất nặng nên thường tìm đủ mọi cách để chống chế và biện minh cho vi phạm của mình. Nhiều người còn cố tình không hợp tác với lực lượng chức năng như không thổi vào máy đo, hoặc là có thổi như thổi hời hợt lấy lệ. Chính vì vậy, khi làm nhiệm vụ chúng tôi phải vừa mềm mỏng vừa kiên quyết để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật”.

“Những trường hợp cố tình không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị lập biên bản với hành vi không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Với trường hợp chống đối thì chúng tôi buộc phải mời về các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra nồng độ cồn bao nhiêu và xử lý”, Đại úy Giang nói.
Mặt khác, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 5 (Công an TP Hà Nội) cũng chia sẻ trong quá trình làm nhiệm vụ các cán bộ, chiến sĩ cũng gặp phải những khó khăn trong việc sử dụng trang thiết bị đo nồng độ cồn.

“Hiện nay việc sử dụng máy đo nồng độ cồn bằng khí thở, người vi phạm phải ngậm miệng vào ống thở để thổi. Việc thổi này phải bảo đảm trong thời gian nhất định và phải đúng quy trình thì mới xử lý được. Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cấp trên xem xét trang bị cho đội ngũ làm nhiệm vụ những phương tiện kiểm tra nồng độ cồn hiện đại hơn. Thí dụ như những thiết bị chỉ cần người vi phạm thở hoặc nói chuyện là máy cũng có thể nhận được tín hiệu và đưa được ra chỉ số”, Đại úy Giang kiến nghị.

“Đối với những người tham gia giao thông, chúng tôi mong muốn mỗi người dân nên có ý thức để bảo vệ chính mình, không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Làm điều đó trước hết là họ tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân, thể hiện việc chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của Nhà nước. Đồng thời, cũng tránh cho bản thân người tham gia giao thông không phải nộp phạt những khoản tiền không nhỏ và nhiều vấn đề liên quan nếu vi phạm”, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 5 (Công an TP Hà Nội) nói.