Xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Với sự ra quân quyết liệt của các lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng cảnh sát giao thông, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, hàng nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe đã bị xử lý. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ, tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe vẫn có dấu hiệu tăng trở lại, nhất là trong mùa lễ hội năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát giao thông tỉnh Cao Bằng kiểm tra nồng độ cồn các lái xe. (Ảnh NGUYỆT ANH)
Cảnh sát giao thông tỉnh Cao Bằng kiểm tra nồng độ cồn các lái xe. (Ảnh NGUYỆT ANH)

Theo thống kê của Bộ Công an, trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông đều giảm. Tuy nhiên, số người vi phạm về nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với hơn 7.700 trường hợp (chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông); so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%).

Những ngày này, trên các tuyến đường dẫn vào lễ hội hay các khu vực đền, chùa, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp công an các xã, thị trấn và đội tự quản để phân luồng, điều tiết giao thông, đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, trong đó chú trọng hoạt động kiểm tra và xử lý tình trạng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe. Tại khu vực chùa Bái Ðính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương (Hà Nội), các phương tiện giao thông từ các nơi đổ về đây để tham quan, chiêm bái.

Ủy ban An toàn giao thông và công an các tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để xử lý các vi phạm giao thông cũng như các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông gây khuất tầm nhìn người tham gia giao thông.

Cùng với việc phân luồng, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông thực hiện đúng các quy định bảo đảm an toàn, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tại Hà Nội, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ sẽ được Công an thành phố tập trung thực hiện theo ba nhóm hành vi vi phạm, gồm: Trọng tâm là kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; vi phạm tốc độ; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe và các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trên đường sắt, đơn vị phối hợp ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn; nắm kế hoạch chạy tàu để chủ động phối hợp bảo đảm an toàn cho người dân. Trên đường thủy, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), do được tuyên truyền tốt, cùng với sự ra quân quyết liệt của lực lượng công an và các ngành chức năng trước và trong dịp Tết Nguyên đán, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện vẫn xảy ra và bị xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn không chấp hành sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng. Ðiển hình, ngày 25/1 (tức mồng 4 Tết), tổ công tác Ðội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Bắc Giang đã phát hiện tài xế Nguyễn Văn Kh. (sinh năm 1972, trú tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang) điều khiển ô-tô con BKS: 30L-73.xxx vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,855 mlg/l khí thở (vượt hơn hai lần mức xử phạt kịch khung là 0,4 mlg/l khí thở).

Tuy nhiên, sau khi bị kiểm tra, phát hiện vi phạm, tài xế này đã không hợp tác, không ký biên bản vi phạm hành chính và các giấy tờ liên quan. Theo Cục Cảnh sát giao thông, những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm và không có trường hợp ngoại lệ.

Ðể bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, nhất là trong mùa lễ hội, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, trong đó chú trọng việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, vì đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất an toàn giao thông.

Một số chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, phải làm thế nào để tất cả công dân đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia khi lái xe, từ đó hình thành được văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Do đó, bên cạnh biện pháp tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng tính răn đe; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, tập trung vào ý thức, pháp luật; tác hại, nguy hiểm của việc lái xe khi đã uống rượu, bia để thay đổi hành vi của người dân khi tham gia giao thông.