Tại chợ phiên huyện Bắc Hà (Lào Cai), chúng tôi gặp Tráng A Phử, một thanh niên người Mông vạm vỡ với ánh mắt đượm buồn. Hỏi ra mới biết, A Phử vừa bán con chó (giống chó Bắc Hà) rất đẹp được hơn hai triệu đồng nhưng tiền anh nhận được là tiền giả. A Phử nói trong nước mắt: “Chó thì người ta mang đi nhưng tiền bán chó thì toàn tiền giả. Lúc đếm tiền mình có biết đâu, mãi đến khi mua mấy bộ quần áo cho các con thì người bán hàng nói đây là tiền giả…”. Không chỉ A Phử mà rất nhiều người dân tộc thiểu số cũng bị kẻ xấu dùng tiền giả để mua trâu, bò, lợn, gà. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường chọn thời điểm vào buổi tối đến nhà bà con mua trâu, bò… Số tiền mua hàng được các đối tượng sử dụng có nhiều mệnh giá khác nhau và thường không mặc cả. Hầu hết các cuộc mua bán diễn ra rất nhanh, nhưng khi người bán phát hiện ra tiền giả thì các đối tượng đã “cao chạy xa bay”…
Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Công an quận Gò Vấp bắt giữ Nguyễn Quang Bình (sinh năm 1990) và Vũ Duy Phương (sinh năm 1994, cùng ngụ quận Gò Vấp), là hai đối tượng chủ chốt trong đường dây sản xuất, vận chuyển, mua bán tiền Việt Nam giả. Khám xét nơi ở của Bình và Phương, công an thu giữ 14,5 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng cùng các thiết bị, nguyên vật liệu để làm tiền giả như máy tính xách tay, máy scan, máy in mầu… Đáng chú ý, số tiền giả sản xuất ra còn được các đối tượng dùng để mua bán ma túy. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Triệu Đình Lợi (sinh năm 1987), Dương Quốc Sơn (sinh năm 1990), Triệu Đình Thọ (sinh năm 1988), cùng trú ở huyện Thanh Trì; Trịnh Thế Nam (sinh năm 1993), trú ở quận Hà Đông về hành vi “cướp giật tài sản”, “lưu hành tiền giả” và “tàng trữ tiền giả”. Thủ đoạn của các đối tượng là đặt mua điện thoại di động trên mạng, sau đó dùng tiền giả để giao dịch. Nếu bị phát hiện tiền giả thì nhóm đối tượng sẽ cướp giật tài sản rồi tẩu thoát. Lợi, Thọ, Sơn, và Nam đã thực hiện trót lọt bốn vụ cướp giật tại các quận, huyện của Hà Nội.
Trong vai người mua tiền giả để tiêu dùng, tôi tìm kiếm trên in-tơ-nét thì có rất nhiều tin rao mua bán tiền giả. Tài khoản facebook Ngân Hương tung ra thông tin quảng cáo: Bạn đang thiếu tiền; 1 triệu tiền thật = 7 triệu tiền giả, đủ loại mệnh giá nhé; ship hàng toàn quốc; tiền giả giống 98% so với tiền thật. Hàng đẹp miễn chê. Cam kết 100% uy tín hàng chuẩn với khách hàng. Nếu không bảo đảm có thể hoàn lại tiền”. Dạo qua một số trang web như “traodoitiengia.com”, “muatiengia79.weebly.com”,... chúng tôi cũng nhận được những lời mời chào, cam kết tương tự. Để tạo niềm tin với các khách hàng, nhiều người bán hàng thường mạnh miệng khẳng định tiền giả được sản xuất tại nước ngoài và chỉ có máy soi tiền hiện đại nhất mới phát hiện được; đồng thời gửi một số hình ảnh đơn hàng được đóng gói cẩn thận và chuẩn bị gửi đến khách hàng qua đường bưu điện. Khi chúng tôi đề nghị mua bán trực tiếp thì các chủ hàng chỉ đồng ý giao dịch qua zalo theo số điện thoại ghi trên trang web hoặc tin nhắn faceboook. Chủ hàng nói đây là hàng cấm, dễ bị phát hiện cho nên không giao dịch trực tiếp. Khi nào khách hàng chuyển tiền vào tài khoản hoặc gửi các mã số thẻ cào điện thoại thì chủ hàng sẽ ship hàng.
Theo một cán bộ Bộ Công an, nắm bắt được tâm lý lười lao động và muốn có nhiều tiền để tiêu xài của một bộ phận thanh niên, thiếu niên cho nên các đối tượng giăng “bẫy” mua bán tiền giả trên mạng. Thực chất khi rao bán tiền giả, các đối tượng không hề có hàng mà chỉ sử dụng các “chiêu trò” lừa đảo không mới nhưng vẫn rất hiệu quả. Cụ thể, khi người mua tin tưởng vào những lời quảng cáo và đồng ý giao dịch thì các đối tượng thường yêu cầu chuyển khoản trước 40 đến 50% tổng số tiền. Tùy theo thỏa thuận mà khách hàng có thể chuyển một số tiền, mã số thẻ cào điện thoại hoặc thẻ cào game online để đặt cọc. Lý do mà các đối tượng đưa ra là giao dịch lần đầu để tạo niềm tin cho nên phải chuyển tiền trước. Khi khách hàng chuyển tiền vào những tài khoản do các đối tượng cung cấp thì nhanh chóng bị rút sạch, số điện thoại và các tài khoản facebook, zalo,… sẽ bị cắt liên lạc. Số tiền giả người bán hứa gửi đến người mua sẽ không thực hiện hoặc có gửi thì toàn tiền âm phủ.
Nếu trước đây, việc sản xuất tiền giả chủ yếu do các đối tượng nước ngoài thực hiện, thì hiện nay, mặt hàng này đã được sản xuất, tiêu thụ ngay trong nước. Đây là những phương thức, thủ đoạn mới. Bên cạnh đó, một số lượng lớn tiền giả với các mệnh giá từ 50 đến 500 nghìn đồng tiếp tục được bí mật sản xuất bên kia biên giới và được nhiều đối tượng trong nước đặt mua về sử dụng hoặc bán lại kiếm lời. Việc làm này đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ trong nước và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Lực lượng chức năng cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Bởi các đối tượng sản xuất tiền giả chủ yếu ở ngoài lãnh thổ nước ta và là người nước ngoài, cho nên việc phát hiện, xử lý cũng bị hạn chế. Do đó, khi phát hiện những đối tượng có hành vi sản xuất, rao bán và sử dụng tiền giả, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. Mọi hành vi liên quan tiền giả như mua bán, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Tùy theo trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến chung thân... Luật sư NGUYỄN THỊ THÚY HÀ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển tiền giả, ngoài việc tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân thì các đơn vị quản lý mạng xã hội cần tăng cường kiểm duyệt; kịp thời gỡ bỏ các nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động phối hợp công an các địa phương để điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng mua bán tiền giả trên mạng. Thượng úy NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG (Bộ Công an) |