Xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động đấu giá tài sản

NDO -

Thời gian vừa qua, nhiều vụ án liên quan sai phạm về đấu giá tài sản bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Thực tế đó yêu cầu cần có các giải pháp đồng bộ để hạn chế sai phạm trong hoạt động này.

Khu đất ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) bị thâu tóm với giá rẻ thông qua hoạt động bán đấu giá. (Ảnh: CAO NGUYÊN)
Khu đất ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) bị thâu tóm với giá rẻ thông qua hoạt động bán đấu giá. (Ảnh: CAO NGUYÊN)

Giữa tháng 11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam bị can, gồm: Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Bà Loan bị cáo buộc có hành vi thành lập 3 doanh nghiệp rồi chỉ đạo các thuộc cấp tại các công ty tham gia nộp hồ sơ đấu giá và thông đồng dìm giá trong quá trình đấu giá Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía đông nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.

Kết quả là 1 trong 3 công ty trúng đấu giá tại dự án nêu trên. Ngoài bà Loan, một số cá nhân thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Đông Anh, Công ty cổ phần Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội bị cáo buộc có hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trên đây là một trong hàng loạt vụ án liên quan sai phạm về đấu giá tài sản bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, hoạt động đấu giá tài sản có không ít hạn chế, bất cập như một số người bán đấu giá tài sản sẽ thông đồng với một số người rồi dùng “quân xanh”, “quân đỏ” để “làm giá” theo hướng có lợi cho mình. Giá bán và người trúng đấu giá khi đó sẽ theo đúng kịch bản có sẵn giữa người bán đấu giá và người tham gia đấu giá.

Cũng có hiện tượng tại phiên đấu giá xuất hiện các đối tượng “xã hội đen” khống chế, đe dọa người tham gia đấu giá tài sản. Với hành vi này, các đối tượng sẽ giảm bớt được những người tham gia đấu giá hoặc không chế người tham gia đấu giá trả giá cao.

Có tình trạng cán bộ có thẩm quyền khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã đưa ra các tiêu chí chủ quan hướng đến doanh nghiệp “sân sau”. Không ít tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá…

Theo Điều 9, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá tài sản, gồm: lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi;…

Ngày 2/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Theo đó, để tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong đấu giá tài sản, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu giá tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, như: tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đấu giá tài sản và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá bảo đảm sát với giá thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa tài sản ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý tài sản, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá;…

Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, để khắc phục tình trạng sai phạm trong đấu giá tài sản, cần giải pháp có tính tổng thể là hoàn thiện quản lý nhà nước về đấu giá mà trọng tâm là thực hiện việc tổng kết, đánh giá việc thực thi pháp luật đấu giá hiện nay; tìm ra những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp thực tế và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về đấu giá và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thường xuyên xây dựng cơ chế, quy chế giám sát đấu giá chung và tổ chức giám sát việc đấu giá có hiệu quả (việc thực hiện thủ tục, quy trình; lựa chọn tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá; quá trình tổ chức đấu giá...); chú trọng xây dựng, thực thi, thanh kiểm tra thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên, các tổ chức đấu giá và định giá khởi điểm.

“Theo Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên; phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm”.

NGUYỄN ANH TUẤN (Đoàn luật sư TP Hà Nội)