Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, vẫn còn một số nội dung chuyển biến chậm, chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và các khuyến nghị của EC. Trong đó, đáng lo ngại là vẫn còn tình trạng tàu cá đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa nghiêm.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như lượng tàu thuyền khai thác hải sản trên biển lớn nhưng số tàu nhỏ nhiều; đời sống và thu nhập của ngư dân còn khó khăn khiến tình trạng tàu cá "ba không" (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) còn cao, thì cũng còn nhiều nguyên nhân chủ quan như nhận thức về pháp luật của ngư dân chuyển biến chậm.
Đặc biệt ở một số nơi, việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành chức năng của một bộ phận chính quyền chưa được coi trọng khiến hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng chưa quyết liệt khiến một số ngư dân vẫn mưu sinh bất chấp để nâng cao thu nhập.
Theo dự kiến, cuối năm nay, EC sẽ lần thứ 5 tổ chức đoàn thanh tra sang Việt Nam, trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp chống IUU của Việt Nam. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản gỡ cảnh báo "thẻ vàng".
Việc EC cảnh báo "thẻ vàng" đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành khai thác, chế biến hải sản của nước ta, khiến lượng hàng, kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu giảm, thu nhập của ngư dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. Nghiêm trọng hơn, nếu không cải thiện, gỡ được cảnh báo này, chúng ta có thể bị cảnh báo ở mức cao hơn là "thẻ đỏ". Khi ấy mặt hàng hải sản sẽ bị cấm nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường châu Âu.
Theo dự kiến, cuối năm nay, EC sẽ lần thứ 5 tổ chức đoàn thanh tra sang Việt Nam, trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp chống IUU của Việt Nam. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản gỡ cảnh báo "thẻ vàng". Muốn vậy, không còn cách nào khác, các địa phương ven biển cần huy động cả hệ thống chính trị để tạo chuyển biến căn bản hơn trong nghề khai thác hải sản. Đó là đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá hành nghề trên biển, quản lý chặt chẽ việc truy xuất và xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là xử lý nghiêm hơn, quyết liệt và triệt để hơn tình trạng vi phạm IUU.
Theo Cục Kiểm ngư, trong 10 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 12 nghìn lượt tàu cá vi phạm khai thác IUU, lập biên bản, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng. Mới đây nhất, UBND tỉnh Bình Định quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Việc cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm IUU được dư luận đánh giá cao, nhưng nhìn chung mức xử phạt bằng tiền vẫn chưa có tác dụng răn đe, cần những biện pháp "mạnh tay" hơn.
Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao công bố Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản" (gọi tắt Nghị quyết số 04). Nghị quyết số 04 được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự cũng như đồng hành cùng Chính phủ trong việc gỡ cảnh báo "thẻ vàng", không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản và sinh kế ngư dân ven biển.
Đây thật sự là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thống nhất, tăng cường xử lý mạnh tay hơn các hành vi vi phạm IUU nhằm tăng tính răn đe của pháp luật, tạo thay đổi căn bản trong nhận thức ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở trong hoạt động khai thác hải sản, hướng tới mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" và đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.