Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính 62,5 triệu đồng đối với công dân TQN (SN 2005, ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vì không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ năm 2024 của Ban Chỉ huy quân sự địa phương. Đồng thời, công dân N phải chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.
Trước đó, anh N đã tham gia khám sức khỏe và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2024. Ban Chỉ huy quân sự huyện Chợ Mới đã có lệnh gọi nhập ngũ đối với anh N. Tuy nhiên, khi chính quyền tổ chức lễ giao nhận quân, anh N không có mặt theo kế hoạch.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định xử phạt hành chính 375 triệu đồng đối với 4 công dân ở huyện Đức Thọ, gồm: TVH (SN 2005, ở xã Thanh Bình Thịnh); PNH và PHĐ (đều SN 2000, ở xã An Dũng), PQT (SN 2004, ở xã Liên Minh) và 2 công dân ở thị xã Kỳ Anh là NVT (SN 2005, ở phường Kỳ Thịnh); LĐA (SN 1999, ở phường Hưng Trí) thị xã Kỳ Anh do vắng mặt, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ của ban chỉ huy quân sự các địa phương trong dịp giao nhận quân năm 2024. Mỗi công dân bị xử phạt 62,5 triệu đồng về hành vi vi phạm nêu trên; buộc phải chấp hành và thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) theo quy định.
Đây chỉ là một số vụ việc xảy ra ở các địa phương đã được lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm minh, kịp thời và được dư luận đánh giá cao. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những công dân cố tình trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Thanh niên quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nô nức lên đường nhập ngũ. (Ảnh: NAM PHONG) |
Qua tìm hiểu, việc trốn tránh NVQS, trước và sau khi khám tuyển đã xảy ra ở một số địa phương. Để thực hiện trót lọt những vi phạm này, một số công dân đã dùng mọi "chiêu trò" để làm sai lệch tình trạng sức khỏe của mình khi khám tuyển, như: Sử dụng thuốc tăng huyết áp, tăng mạch hoặc khi kiểm tra thị lực thì vờ như không thấy, cố tình đọc sai bảng chữ cái. Cá biệt, một số thanh niên còn dùng nước đường pha lẫn nước tiểu, sử dụng các chất ma túy, xăm hình trên cơ thể…
Việc trốn tránh NVQS, trước và sau khi khám tuyển đã xảy ra ở một số địa phương. Để thực hiện trót lọt những vi phạm này, một số công dân đã dùng mọi "chiêu trò" để làm sai lệch tình trạng sức khỏe của mình khi khám tuyển.
Ngoài ra, để kết quả khám sức khỏe không đạt, một số thanh niên đã tự hủy hoại sức khỏe bằng cách nhịn ăn, thức trắng nhiều ngày đêm chơi game khiến thị lực bị giảm, huyết áp tăng, cơ thể sút cân,…
Có trường hợp công dân rời khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhằm lách luật. Công tác khám sức khỏe cho công dân đến tuổi thực hiện NVQS tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, trang thiết bị khám, chữa bệnh còn lạc hậu. Một số cán bộ có nhiệm vụ trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ cũng tiếp tay cho sai phạm. Đây cũng là những bất cập, hạn chế đặt ra đối với các hội đồng NVQS các địa phương trước mỗi mùa tuyển quân.
Theo quy định của pháp luật, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Những công dân có hành vi vi phạm này nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể căn cứ Nghị định số 37/2022/NĐ-CP (ngày 6/6/2022) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xử phạt.
Mức phạt cao nhất đối với công dân nếu vi phạm là 75 triệu đồng. Ngoài ra, liên quan đến những hành vi vi phạm này, nếu công dân hoặc các cán bộ thuộc Ban Chỉ huy quân sự các địa phương vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự để xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 332, 334, 335 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù cao nhất đối với trường hợp cá nhân vi phạm là 5 năm và cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đến 5 năm…
Đại tá Hoàng Anh Tú, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng công dân không chấp hành lệnh nhập ngũ, trốn tránh nghĩa vụ quân sự, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, từ đó tự giác chấp hành, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Tham mưu cho các UBND cấp huyện,… phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn chỉ đạo các trường trung học phổ thông trên địa bàn tổ chức các cuộc thi Rung chuông vàng và thi tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự cho đoàn viên, thanh niên. Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự, công an các cấp trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt quy trình, chủ trương tuyển quân "tròn khâu" tại địa phương với phương châm tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, tuyển người nào chắc người đó, không có loại trả, hạn chế thấp nhất việc bù đổi. Cần gắn trách nhiệm tuyển quân với các thành viên Hội đồng NVQS, cán bộ phụ trách các cấp, từng địa phương. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với những địa bàn khó khăn, phức tạp; giao chỉ tiêu tuyển quân gắn với địa bàn động viên và tạo nguồn cán bộ cơ sở. Những đơn vị chức năng cần đổi mới phương pháp, cách làm để buổi lễ giao, nhận quân diễn ra trang nghiêm, an toàn theo quy định và thực sự là ngày hội của tuổi trẻ. Tổ chức đón quân nhân hoàn thành NVQS tại ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân trở về địa phương trang trọng, theo đúng hướng dẫn. Thực hiện hiệu quả tư vấn, hướng nghiệp, tạo điều kiện để quân nhân xuất ngũ đăng ký học nghề, có việc làm, bảo đảm cuộc sống…