Ý thức về điều này, khi đến tuổi trưởng thành, rất nhiều thanh niên Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đã xung phong nhập ngũ để được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ giang sơn bờ cõi, Việt Nam là quốc gia ý thức rất rõ về giá trị của hòa bình, của độc lập và tự do. Do đó, công cuộc giữ nước sử dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân luôn được chú trọng, đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, ở Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc được khẳng định là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (khoản 2, Điều 45).
Hằng năm, từ lời kêu gọi của đất nước, hàng vạn người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 27 tạm gác lại học tập, công việc để lên đường nhập ngũ. Mang trong mình niềm vinh dự, tự hào, họ là đại diện cho thanh niên Việt Nam thực hiện trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Phải rời xa gia đình, người thân và bạn bè cùng biết bao dự định nhưng các tân binh đều tin tưởng tuyệt đối vào “trường học” quân đội bởi trong môi trường này, họ được tạo cơ hội để trưởng thành hơn khi trải qua quá trình học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực…
Đáng chú ý, tuy pháp luật Việt Nam không bắt buộc nữ giới phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng có không ít công dân nữ tình nguyện xin nhập ngũ để thực hiện những lý tưởng cao đẹp. Có thể kể đến hai nữ tân binh của Thủ đô Hà Nội là Hoàng Ngọc Anh và Lê Ngọc Linh.
Hai người đều đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định nhưng vẫn muốn tiếp nối truyền thống gia đình có nhiều thế hệ đã tham gia quân đội.
Trong khi đó, tân binh Trần Thanh Loan (một trong sáu nữ tân binh của Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đã nhiều lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ vì nhận thức rõ môi trường quân đội đề cao việc rèn luyện kỷ luật sẽ giúp ích cho sự phát triển bản thân.
Như vậy, có thể khẳng định đại bộ phận thanh niên cả nước hiện nay đều ý thức rất rõ bổn phận và trách nhiệm bản thân đối với nghĩa vụ quân sự. Vì thế mỗi năm, hàng nghìn thanh niên trên cả nước đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ dù đang có một công việc tốt với thu nhập ổn định.
Năm 2023, trong số hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ tại thành phố Hải Phòng, anh Phạm Thái Sơn được nhiều người biết đến với lý lịch là Tổng Giám đốc Tổng công ty Bình An chuyên lĩnh vực công nghiệp đóng tàu.
Đáng chú ý, tại thời điểm nhập ngũ, anh Sơn mới hoàn thành chương trình thạc sĩ và đang hoàn thiện luận văn để chờ bảo vệ. Tuy nhiên, bản thân anh và gia đình đã quyết định bảo lưu kết quả học tập để tham gia nghĩa vụ quân sự.
Mùa tuyển quân năm nay, tại Bình Dương có gần 1.000 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trong Lễ giao nhận quân năm 2024 tại Hà Nội, trong số hàng nghìn thanh niên nhập ngũ, có 65% người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Nhiều địa bàn khác trong cả nước cũng ghi nhận những con số cao về công dân nhập ngũ là đảng viên, đoàn viên, có trình độ học vấn cao. Đó chính là những minh chứng cho thấy nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ chung mà toàn thể thanh niên có sức khỏe, trong độ tuổi nhập ngũ luôn sẵn sàng tham gia khi Tổ quốc yêu cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số cá nhân do thiếu thông tin, nhận thức non kém, tư tưởng cực đoan đã có những quan điểm sai trái, lệch lạc về nghĩa vụ cao cả này.
Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, các đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ các video, bài viết, bình luận xuyên tạc bản chất của hoạt động tuyển quân, đời sống của chiến sĩ nghĩa vụ tại ngũ.
Nổi lên trong thời gian gần đây là hàng loạt video có nội dung dàn dựng về việc người chiến sĩ nghĩa vụ bị người yêu chia tay, phản bội để đi theo những lợi ích, cám dỗ vật chất.
Thậm chí một số tài khoản nặc danh còn cắt, ghép hình ảnh các cặp đôi nam nữ chia tay trong Lễ giao nhận quân với các bình luận suy diễn, vô cảm. Mục đích để bóp méo sự thật, xuyên tạc về đạo đức, tác phong và hoạt động của các chiến sĩ, bôi nhọ hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, bản chất truyền thống, uy tín của quân đội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Từ đó, khiến cho thanh niên nhập ngũ “tự diễn biến”, buông lỏng về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, làm cho nhân dân hoang mang, thiếu niềm tin, không muốn cho con em mình nhập ngũ.
Chưa dừng lại ở đó, đến mùa tuyển quân, một số tài khoản lại thâm nhập vào các nhóm, hội trên mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến để lập ra các chủ đề như: “cách trốn nghĩa vụ quân sự hợp pháp”, “mẹo trốn bộ đội”, “cách rớt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mới nhất”.
Qua đó, các đối tượng bày ra thủ đoạn, chiêu trò gian dối trong khám sức khỏe quân sự, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Táo tợn hơn, một số đối tượng còn khoe khoang trên mạng xã hội đã “trốn” nghĩa vụ quân sự thành công.
Đồng thời, hiện tượng bôi đen đời sống của người lính nghĩa vụ trên mạng xã hội cũng có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng xấu thổi phồng những vụ việc cá biệt, đơn lẻ xảy ra trong môi trường quân đội để đưa ra những luận điệu vu cáo như chiến sĩ phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, bị bắt nạt, trù dập, đánh đập.
Tuy có sự khác biệt trong hình thức thể hiện nhưng về bản chất các nội dung này đều hướng đến mục đích làm sai lệch bản chất của nghĩa vụ quân sự.
Từ đây, các đối tượng xấu kích động người trẻ, nhất là một bộ phận còn mơ hồ về chính trị, có lối sống hưởng thụ tham gia các hoạt động trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đòi xóa bỏ quy định về nghĩa vụ quân sự trong Hiến pháp và pháp luật.
Những đối tượng xấu này cố tình phủ nhận thực tế là để duy trì nền độc lập, tự chủ, rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự.
Tại một số đất nước như: Hàn Quốc, Singapore áp dụng chế độ quân sự bắt buộc với mọi công dân nam trên 18 tuổi. Trong khi đó, Israel được biết đến là quốc gia áp dụng với cả nam và nữ.
Đáng lo ngại là qua từng thước phim, bài viết, các đối tượng thể hiện rõ ý định gây chia rẽ trong nhận thức của thế hệ trẻ, nhất là những thanh niên sinh sống ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn, bằng việc tiêm nhiễm vào suy nghĩ của họ rằng nghĩa vụ quân sự chỉ áp dụng với các đối tượng nghèo, học vấn thấp, không phải là đảng viên.
Thực tế, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã quy định cụ thể “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này” (khoản 2, Điều 4).
Mặc dù các nội dung xấu, độc xuyên tạc bản chất về nghĩa vụ quân sự đã bị các cơ quan chức năng và người dân nhanh chóng vạch trần, bác bỏ song từ đây cũng cần nhìn nhận bên cạnh việc thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự, giáo dục truyền thống… cho thế hệ trẻ nhằm khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, tiếp thêm ý chí, động lực nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong hoạt động bảo vệ đất nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Hình thức truyền thông cũng cần đa dạng, phong phú và hấp dẫn, gần gũi với đời sống thanh niên hơn.
Thời gian qua, sự nổi lên của một số kênh TikTok tự phát về người lính, đời lính phần nào cho thấy nhân dân rất quan tâm, muốn tìm hiểu về nghĩa vụ quân sự, đời sống quân ngũ nhưng lại chưa có nhiều tác phẩm điện ảnh, tiểu thuyết, gameshow chú trọng vào mảng đề tài này.
Thành công và tác động tích cực đến cộng đồng của các chương trình thực tế như “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Sao nhập ngũ” cần được nhân rộng, trở thành động lực cho tất cả thanh niên đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi được khoác màu áo lính.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng vào cuộc để xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; chia sẻ các thủ đoạn gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; bôi nhọ, hạ thấp hình ảnh người chiến sĩ.