Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

NDO - Ngày 31/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. (Ảnh:
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. (Ảnh:

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo sư Đỗ Quang Hưng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tôn giáo, thành viên Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các tổ chức tôn giáo và lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số tỉnh, thành phố phía bắc.

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm 4 chương, 51 điều. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác….

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và các nội dung cụ thể trong Nghị định; tính thực tiễn và khả năng thực hiện khi ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và các nội dung cụ thể trong Nghị định; tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật trong việc ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; vấn đề trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước trong Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo….

Trong đó, có đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, rà soát các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nếu có mức độ nghiêm trọng phải được xử lý nặng hơn so với các hành vi vi phạm pháp luật về hành chính, như: vi phạm quy định về đăng ký hoạt động tín ngưỡng, trong sinh hoạt tôn giáo; trong thực hiện các hoạt động liên quan đến tổ chức tôn giáo; trong việc thay đổi tên của tổ chức tôn giáo. Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cần có điều khoản xử phạt việc lợi dụng mạng xã hội, internet để truyền đạo trái pháp luật hoặc lợi dụng danh nghĩa tổ chức tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng để tuyên truyền những nội dung gây tác hại đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Có ý kiến nêu rõ: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cần theo hướng tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; đồng thời phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, việc xử phạt nên thêm một nguyên tắc nữa là trước xử phạt với những hành vi, vi phạm chưa nghiêm trọng, cần nhắc nhở và tạo cơ hội sửa sai cho tổ chức, cá nhân tôn giáo vi phạm, sau mới đến hình thức khiển trách, tiếp đến là cảnh cáo, phạt tiền... Như vậy, việc xử phạt sẽ tăng được tính nhân văn, văn minh và tính mục đích của luật pháp khi coi trọng yếu tố giáo dục

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đồng thời ông cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải được xem xét, điều chỉnh và có biện pháp ứng xử phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Các hành vi vi phạm này chủ yếu liên quan đến Điều 5 của Luật về các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; trục lợi; vi phạm quy định trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như vượt quá các quyền đã được quy định trong Luật, không thực hiện nghĩa vụ…