Xu Hướng truyền thông và bán hàng thời online hậu Covid

Thị trường truyền thông và bán hàng trên Online hiện đang có rất nhiều thay đổi mới lạ: Cùng với sự bùng nổ của những nền tảng mạng xã hội mới như TikTok, Livestream Facebook… với những phiên livestream bán hàng nở rộ, với những Idol bán hàng nổi tiếng. Tóm lại một thế giới bán hàng bằng Nội Dung mới đang bắt đầu hình thành khuấy động mạng xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Chí Hiếu.
Ông Trần Chí Hiếu.

Để tìm hiểu thêm về xu hướng Nội Dung truyền thông (Content), chúng tôi có buổi phỏng vấn một chuyên gia về truyền thông và nội dung trên mạng xã hội: ông Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) - từng làm Giám đốc truyền thông mạng xã hội tại tập đoàn Vingroup, sáng lập công ty Orion Media với những chiến dịch triển khai rầm rộ mạng xã hội như Vodka Cá Sấu.

Phóng viên: Chào anh Hiếu Orion, anh nhận định gì về xu hướng truyền thông và bán hàng trên mạng xã hội hiện tại?

Ông Trần Chí Hiếu: Hiện tại xu hướng điển hình nhất trên mạng xã hội chính là xu hướng sử dụng content cảm xúc để tác động tới đám đông cộng đồng để tiến tới hành vi mua sắm.

Để thí dụ sự khác biệt với các xu hướng cũ thì hãy xem một quy trình hành vi dưới đây:

Xu Hướng truyền thông và bán hàng thời online hậu Covid ảnh 1

Đây là một quy trình cơ bản của những công ty truyền thông bán hàng trước kia hay làm: Thí dụ như trước kia một chiến dịch bán hàng của chúng tôi phải triển khai từng bước để tạo nhận diện, tạo ấn tượng, tạo hiểu biết… rồi mới bán hàng. Nó như biểu đồ này với từng bước Biết-Hiểu-Tin-Thích-Dùng.

Nhưng trong thế giới mới này, đám đông Online xem 1 buổi livestream của 1 ai đó trên mạng, họ thấy vui thích… rồi sẵn sàng bỏ tiền ra mua 1 món sản phẩm người đó giới thiệu, trong khi trước chưa từng Biết - hay Hiểu - về nó. Bỏ qua các công đoạn tìm hiểu và tin tưởng sản phẩm.

Tại Trung Quốc, có nhiều IDOL đã bán được hơn 100 triệu USD (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng Việt Nam) chỉ trong 1 buổi livestream, như Vi Á, Lý Giai Kỳ. Con số thực sự kinh khủng: nhưng nó thể hiện xu hướng mua vì thích - chỉ đơn giản thế thôi.

Họ mua 1 thứ vì có cảm xúc với người mà họ đang xem, người họ đang theo dõi! Trung tâm của ngành công nghiệp livestream chính là những streamer. Bản thân mỗi người này đều giống như một ngôi sao của làng giải trí.

Có thể những người theo dõi phiên livestream không phải bắt nguồn từ mục đích mua hàng. Thay vào đó, họ tiếp nhận những thông tin về sản phẩm bởi sự hâm mộ và lòng trung thành đối với thần tượng.

Và livestream bán hàng là một hình thức kinh doanh mới mà ở đó, kênh phân phối có khả năng mang đến rất nhiều những cảm xúc có “tính người”.

Thông qua các phiên livestream, người dùng sẽ nhận được thông tin một cách tươi mới, chân thật với khả năng tương tác, phản hồi tốt hơn. Và vì thế, họ rất nhanh đưa ra quyết định mua hàng. Đây chính là lý do mà live commerce đang trở thành xu hướng phổ biến trong ngành thương mại điện tử.

Cũng không có gì lạ vì trong giới truyền thông có 1 câu nói: “khi cảm xúc đi lên - thì lý trí đi xuống”, những người livestream thế hệ mới này đã sử dụng content từ chính mình để tác động lên cảm xúc và tiến tới Hành Vi Mua rất hiệu quả!

Và đây cũng là lúc mà Nội Dung lên ngôi: Nội Dung sẽ là thứ tạo ra cảm xúc cho đám đông.

Và cũng sẽ giống như ở nhiều nước khác đã đi trước chúng ta, tại Việt Nam, xu hướng này sẽ tạo ra 1 cơn “đại hồng thủy” không thể tránh khỏi về mua sắm: các kênh Thương Mại Điện tử truyền thống và các cửa hàng bán ngoài đường phố sẽ bị ảnh hưởng khá lớn.

Phóng viên: Hệ lụy và sự đe dọa của mô hình này là gì?

Ông Trần Chí Hiếu: Khi bán hàng online qua mô hình Livestream, khách hàng không được sờ nắn sản phẩm, không được trải nghiệm sản phẩm như những mô hình mua sắm truyền thống. Do đó chắc chắn sẽ phát sinh nhiều trường hợp bán hàng không đúng với cam kết chất lượng, thậm chí lừa đảo.

Tuy nhiên, như các thị trường livestream đã và đang thịnh hành tại các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… thì thị trường sẽ tự cân bằng và điều tiết bằng những cơ chế đánh giá (Rating) những đơn vị bán. Và luật chơi sẽ được hình thành để bảo đảm quyền lợi cho người mua hàng, cho những người bán hàng tử tế khác.

Phóng viên: Ngoài những đe dọa xấu trên, thì xu hướng này có gì tốt với xã hội?

Ông Trần Chí Hiếu: Tốt nhiều chứ! Hiện nhiều nước đang phát triển một xu hướng gọi là B2C (Business to Consumer): đây là 1 hệ sinh thái đầy đủ giúp các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không qua nhiều trung gian.

Nhờ mô hình này, các nông dân có thể livestream bán hàng trực tiếp đến người mua nhờ các nền tảng bán hàng trực tuyến online.

Về livestream bán hàng (gọi là Live Commerce) sẽ giúp loại bỏ được các khâu trung gian, đưa mặt hàng nông sản từ nơi sản xuất đến chính căn bếp của người tiêu thụ. Người nông dân nhờ vậy sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, còn người tiêu dùng cũng được mua hàng tận gốc với giá rẻ.

Nó chính là mấu chốt giúp nhiều Nông dân và làng nghề không bị bỏ bom phải suốt ngày giải cứu.

Chính phủ Việt Nam cũng đang phát triển những chương trình rất ý nghĩa liên quan tới các xu hướng mới này. Thí dụ như trong nội dung của chương trình OCOP - Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn – với các hoạt động thúc đẩy các Sản phẩm làng nghề toàn Việt Nam, trong chương trình này cũng có những hạng mục liên quan tới đào tạo công nghệ bán hàng, kết nối các nền tảng bán hàng giúp nông dân hoặc các đơn vị sản xuất làng nghề có thể triển khai các hoạt động bán hàng dạng B2C đến tay người mua một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất!

Giống như tại Trung Quốc, các tập đoàn thương mại của Trung Quốc đã thiết lập những nền tảng đặc biệt giúp nông dân bán các sản phẩm thông qua cửa hàng trực tuyến. Và tại Trung Quốc hàng triệu người (cả nông dân lẫn người làm nghề) đang đi học các chương trình bán hàng Online qua các nền tảng Livestream.

Xu Hướng truyền thông và bán hàng thời online hậu Covid ảnh 2

Một cụ bà 80 tuổi bên Trung Quốc đang trực tiếp livestream bán hàng.

Tôi tin rằng đây là một xu hướng tốt và giúp ích được thị trường thương mại Việt Nam. Với xu hướng này, ta nên nắm bắt nó bằng cách học hỏi và tiếp cận công nghệ livestream, học cách xây dựng nội dung để tạo cảm xúc tới đám đông cộng đồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh về các thông tin hữu ích trên!