Sáng 26-7, Cục Quản lý thị trường đã họp với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) để cùng bàn về công tác phối hợp trong quản lý, xử phạt đối với các hoạt động mua bán trên mạng online đang bùng phát gần đây với nhiều mánh khóe vi phạm của các doanh nghiệp.
Nhộn nhịp hàng kém chất lượng trên “chợ online”
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho biết, năm 2014, cả nước xử lý hơn 100 vụ vi phạm thương mại điện tử, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Đến năm 2017, cả nước có hơn 180 trường hợp vi phạm bị xử lý với số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng. Năm 2016, có hơn 40 nghìn trường hợp bán hàng vi phạm chất lượng bị yêu cầu gỡ bỏ ra khỏi các sàn giao dịch online.
Mặc dù, Cục Thương mại điện tử đã có rất nhiều biện pháp can thiệp, đào tạo cán bộ thanh tra, tập huấn cho các chủ sàn giao dịch để không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn online, nhưng thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Ông Tuấn cho biết, nhiều đối tượng bán hàng trên các sàn giao dịch lớn như Shopee, Lazada, Sendo… sau khi bị gỡ bỏ do bán hàng nhái, đã tinh vi hơn để thoát khỏi bộ lọc từ khóa của cơ quan quản lý chức năng. “Nếu trước đây họ bán sản phẩm Nike thì nay họ tinh vi hơn, tách chữ ra Ni-ke để không bị bộ lọc từ khóa phát hiện. Rất khó cho cơ quan chức năng chúng tôi trong việc phát hiện để xử lý”, ông Tuấn dẫn chứng.
Sản phẩm của chuỗi siêu thị Con Cưng bị tạm giữ.
Bên cạnh đó, mạng xã hội facebook cũng là một mảnh đất rất màu mỡ cho các đối tượng bán hàng online, từ học sinh, sinh viên đến cả đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ. Facebook không có pháp nhân tại Việt Nam nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, do đó không có chế tài xử lý. Khi phát hiện sai phạm, Cục Thương mại điện tử chỉ báo cáo vi phạm để Facebook nhận tín hiệu khóa tài khoản. Nhưng theo ông Tuấn, đó chỉ là giải pháp tình thế.
“Chúng tôi cũng cử trinh sát theo dõi những đối tượng bán hàng số lượng lớn trên mạng facebook có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng khi kiểm tra thực tế thì đối tượng này có rất ít sản phẩm hoặc không có sản phẩm nào mà chỉ khi có khách đặt mới đi đặt lại nơi khác”, ông Tuấn nói thêm.
Ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng Chống hàng giả cho biết, Cục Quản lý thị trường đã sớm triển khai kiểm tra hoạt động thương mại điện tử nhưng hiện đang gặp một số khó khăn ở địa phương. Trong đó, nổi bật là việc, đối tượng bán hàng qua sàn giao dịch đăng ký tại địa bàn này, nhưng thực tế đối tượng lại đăng ký kinh doanh ở địa bàn khác, nên khó trong vấn đề xử lý khi trái địa bàn. “Anh em các chi cục còn bỡ ngỡ trong công tác kiểm tra rà soát xử lý thương mại điện tử”, ông Kiều Nghiệp cho hay.
Do đó, ông Kiều Nghiệp đề xuất Cục Thương mại điện tử không chỉ cung cấp thông tin cho Cục Quản lý thị trường, mà còn giải đáp tháo gỡ về mặt nghiệp vụ cho cán bộ quản lý thị trường.
Siết chặt bán hàng online trên các “chợ online”
Hiện nay, trên các sàn giao dịch có hàng nghìn người bán đến hàng chục nghìn sản phẩm. Do đó, để siết chặt quản lý trong giao dịch thương mại điện tử, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 Trần Hùng đề nghị, phải xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sàn giao dịch để họ quản lý chặt hơn các sản phẩm sẽ được rao bán trên website của họ.
Trước đây, những vi phạm trên các trang bán online chỉ dừng ở việc yêu cầu gỡ bỏ, thì nay theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP, năm 2015 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ sàn phải loại bỏ ra khỏi website những hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ khi có phản ánh xác thực. Với sản phẩm cấm kinh doanh thì chủ sàn phải gỡ bỏ theo quy định pháp luật như rượu, thuốc lá, động vật sống. Với hành vi bán hàng giả đã được chứng thực mà yêu cầu chủ sàn không gỡ sẽ bị phạt cá nhân từ 20-30 triệu đồng, phạt doanh nghiệp từ 40-60 triệu đồng.
Theo ông Tuấn, bên cạnh đó phải xử lý triệt để người bán hàng vi phạm chất lượng. “Nếu gian hàng nào có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý đề nghị chủ sàn giao dịch cung cấp thông tin chi tiết người bán, thống kê số lượng sản phẩm bán, nguồn gốc sản phẩm. Tôi nghĩ, trước mắt, mình nên làm theo những nhóm hàng nổi cộm hoặc nhóm hàng nhận được phản ánh lớn của xã hội để kiểm tra”.
Cục Quản lý thị trường kiểm tra tại siêu thị Con Cưng.
Trong buổi họp sáng nay, ông Hùng giao cho phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử rà soát, làm kiểm tra thí điểm một vài sàn, cá nhân kinh doanh trên mạng để đánh giá các thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý. “Chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm thực phẩm chức năng và đông y vì đây là hai nội dung gắn với Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó chúng tôi sẽ đánh giá và chỉ đạo các địa phương triển khai nhiệm vụ này, đồng kiến nghị hoàn thiện hành lang, cơ chế chính sách để phối hợp quản lý với các sàn bán hàng qua mạng”, ông Hùng cho biết.
Ông Hùng cũng đề nghị Cục Thương mại điện tử nên triển khai một hội nghị ký cam kết của cơ quan quản lý với các sàn bán hàng online để nếu xảy ra vi phạm sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho đối tượng. “Nếu lần đầu tiên vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử phạt, nếu vi phạm lần hai sẽ đóng cửa vĩnh viễn sàn giao dịch”, ông Hùng đề nghị.
* Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của siêu thị Con Cưng trên toàn quốc