Hãng thông tấn AP của Mỹ đưa tin, hôm nay các đội thợ lặn đã phát hiện mảnh vỡ của máy bay gặp nạn ở độ sâu 23 m dưới biển Java. Tư lệnh Không quân Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết trong một thông cáo: “Chúng tôi nhận được báo cáo từ đội lặn rằng tầm nhìn dưới nước rất tốt và rõ ràng, tạo điều kiện phát hiện một số mảnh vỡ máy bay. Chúng tôi tin rằng đây là vị trí máy bay rơi”. Ông cho biết thêm, các vật thể thu thập được gồm mảnh vỡ ở phần thân máy bay có in số đăng ký.
Hãng thông tấn Antara của Indonesia dẫn lời người phát ngôn Cảnh sát thủ đô Jakarta Yusri Yunus cho biết, từ hôm qua đến nay, Bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati ở Đông Jakarta đã tiếp nhận hai túi chứa các phần thi thể. Để xác định danh tính các thi thể, cảnh sát đã thông báo gia đình của các nạn nhân tới bệnh viện này để làm xét nghiệm ADN.
Ông Yunus nhấn mạnh, cơ quan chức năng sẽ phân tích ADN, do đó những người đến Bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati phải là người có quan hệ huyết thống gần gũi nhất với nạn nhân. Những người này cần mang theo hồ sơ theo dõi sức khỏe của nạn nhân, trong đó có các thông tin về xương, răng hoặc hình xăm... Đến nay, người thân của bảy hành khách và một thành viên phi hành đoàn đã tới Bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati.
Ngay sau khi máy bay mất tích, Indonesia đã mở hai trung tâm ứng phó khủng hoảng, một trung tâm đặt tại sân bay và trung tâm còn lại đặt tại cảng. Gia đình của các nạn nhân sẽ tập trung tại hai địa điểm này để chờ tin tức của người thân.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, Chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm các nạn nhân. Ông Widodo chỉ đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay.
Hiện, tham gia nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân của vụ rơi máy bay có Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cảnh sát, quân đội và chính quyền Jakarta. Đến nay, Hải quân Indonesia đã điều động 10 tàu tới vị trí được cho là nơi máy bay rơi để hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Máy bay Boeing 737-500 mang số đăng ký PK CLC của hãng hàng không Sriwijaya Air gặp nạn khi chở 50 hành khách và 12 thành viên của phi hành đoàn, từ Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô Jakarta tới TP Pontianak. Không có dấu hiệu cho thấy các hành khách và phi hành đoàn còn sống sót sau vụ tai nạn.
Theo Bộ Giao thông vận tải Indonesia, máy bay này mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 14 giờ 40 phút ngày 9-1, tức là chỉ bốn phút sau khi cất cánh. Trước đó, chuyến bay mang số hiệu SJ-182 đã bị hoãn một giờ do thời tiết xấu. Máy bay biến mất khi cách sân bay Soekarno-Hatta hơn 20 km về phía bắc, trong lúc nâng độ cao lên gần 4 km sau khi vượt qua độ cao hơn 3 km.
Lịch sử ngành hàng không Indonesia từng chứng kiến một số vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Tháng 10-2018, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống biển Java chỉ ít phút sau khi cất cánh từ Jakarta. Toàn bộ 189 người trên máy bay đã thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không kinh hoàng nhất của Indonesia kể từ năm 1997, khi một máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda rơi xuống đảo Sumatra cướp đi tính mạng của 234 người.
* Cùng ngày 9-1, mưa lớn đã gây lở đất tại tỉnh Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 150 km về phía đông nam, khiến 11 người thiệt mạng và tám người khác mất tích.
Người đứng đầu Văn phòng Tìm kiếm và Cứu nạn thành phố Bandung, ông Deden Ridwansyah xác nhận: "22 nạn nhân bị vùi lấp sau vụ sạt lở tại làng Cihanjuang, trong đó ba người sống sót, 11 người tử vong và tám người khác mất tích".
Vụ lở đất đầu tiên xảy ra lúc khoảng 15 giờ 30 phút ngày 9-1, vụ tiếp theo xảy ra vào khoảng 19 giờ cùng ngày. Ngoài người dân địa phương, nạn nhân của vụ sạt lở thứ hai còn có cả thành viên của đội tìm kiếm.
Indonesia thường xuyên phải hứng chịu những trận lũ lụt và lở đất, đặc biệt là trong mùa mưa từ tháng 11 tới tháng 3 hằng năm.