"Xây" ứng dụng đô thị thông minh - hạt nhân của chuyển đổi số

NDO - Tính đến giữa 2022, Viettel đã thực hiện 36 dự án Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, giữ vị trí dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng đô thị thông minh (Smart city).
0:00 / 0:00
0:00
Với 36 dự án Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) thực hiện tại các tỉnh, thành toàn quốc, Viettel tiếp tục dẫn đầu về Smart city tại Việt Nam.
Với 36 dự án Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) thực hiện tại các tỉnh, thành toàn quốc, Viettel tiếp tục dẫn đầu về Smart city tại Việt Nam.

Làm Smart city theo kiểu “may đo”

Trong các dự án IOC toàn quốc, Huế-S vẫn được nhìn nhận như một trong những hình mẫu thành công nổi bật. Được triển khai từ năm 2019, khi trong nước chưa có bất cứ mô hình IOC hay đô thị thông minh nào để tham chiếu, “Viettel tìm cách “may đo” các giải pháp phù hợp cùng Thừa Thiên - Huế chuyển đổi số để phát triển kinh tế xã hội, phục vụ trực tiếp cho người dân”, đại diện Viettel cho biết.

Qua 3 năm thực hiện, đến nay có hơn 800 nghìn người cài đặt siêu ứng dụng nền tảng di động này. Sử dụng thuận tiện, hiệu quả, Huế-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp vừa ứng dụng chính quyền số.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, Trung tâm IOC của thành phố cảng này hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý đô thị dựa trên 12 hệ thống dữ liệu được kết nối từ dịch vụ công trực tuyến; giám sát thông tin trên mạng; thông tin phòng cháy chữa cháy...

Khác nhiều địa phương khác, IOC Hải Phòng còn có hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng; hệ thống luồng hàng hóa ra vào cảng. Đây là những tính năng đặc thù của IOC được Viettel phát triển riêng cho Hải Phòng giúp hoạt động quản lý cảng biển hiệu quả hơn nhiều lần.

Ngoài những tỉnh, thành phố triển khai sớm như Thừa Thiên - Huế, các địa phương mới ứng dụng IOC như Sóc Trăng đã thấy thay đổi đáng kể từ quá trình chuyển đổi số. Sau hơn 6 tháng vận hành từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm IOC Sóc Trăng đã trở thành “cánh tay phải” cho quá trình điều hành, quản lý của tỉnh. Toàn bộ 176 chỉ tiêu kinh tế-xã hội được tổng hợp, báo cáo phục vụ tra cứu, tìm kiếm dữ liệu thuận tiện. Qua hệ thống IOC, lãnh đạo tỉnh có thể theo dõi trực quan, nắm tình hình, phân tích, đánh giá, so sánh hiệu quả tác động của công tác chỉ đạo, điều hành.

"Xây" ứng dụng đô thị thông minh - hạt nhân của chuyển đổi số ảnh 1

Hệ thống IOC do Viettel phát triển được thiết kế phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Vai trò người đứng đầu và vị trí trung tâm của người dân

Lý giải về những yếu tố tạo nên sự thành công của các dự án Smart city, đại diện Viettel cho rằng, chính vai trò con người đặc biệt là đội ngũ đứng đầu các địa phương là cực kỳ quan trọng.

Huế không phải là địa phương có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng lại đột phá trong xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số nhờ sự máu lửa, tầm nhìn và tin tưởng đồng hành với Viettel để chuyển đổi số của lãnh đạo tỉnh. “Đây là yếu tố then chốt để triển khai chuyển đổi số thành công chứ không phải chuyện tài chính hay công nghệ”, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel nhận định.

Quan điểm này được sự chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thừa Thiên - Huế. Theo ông Bình, Huế- S giờ đóng vai trò hạt nhân trong chuyển đổi số của Huế. Đây là quyết tâm của Huế tập trung cơ chế nguồn lực để phát triển ứng dụng này tốt nhất. Nếu không có Viettel đồng hành với phương thức “may đo” thì rất khó thành công. “Huế-S mà Viettel xây dựng rất phù hợp với Huế. Đây cũng là niềm tự hào của người Huế. Biết đâu đó Huế S sẽ trở thành nền tảng chung quốc gia”, ông Bình bày tỏ.

Tương tự, tại Thái Nguyên, ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên là kênh thông tin kết nối hiệu quả giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Với nền tảng công nghệ định danh điện tử eKYC, Thái Nguyên ID tích hợp nhiều chức năng như: Kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung; nhận diện người dùng bằng AI. Ứng dụng trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến; đăng tin và tìm nhà cho thuê; theo dõi việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cập nhật tin tức đời sống - xã hội..

Một yếu tố quan trọng hàng đầu để các dự án chuyển đổi số địa phương có thể đi vào đời sống chính là việc bảo đảm trong hệ thống IOC được thiết kế để người dân đưa ra các phản ánh hiện trường. Nhưng nếu người dân phản ánh một vài lần mà họ thấy không được xử lý thì sớm muộn hệ thống cũng sẽ chết", ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel chia sẻ.

Theo ông Đức, vì lý do này Viettel không chỉ giúp địa phương ngay từ đầu tất cả các khâu đồng hành mà còn xây dựng lộ trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ địa phương chứ không "làm thay, làm hộ", cùng thúc đẩy để các dịch vụ có sự tương tác tích cực giữa người dân - chính quyền. Đi kèm với đó là chế độ báo cáo liên tục cập nhật về việc các phản ánh của người dân đã được hệ thống phản hồi như thế nào từ đó giúp hệ thống có thể vận hành tích cực.

Tại các tỉnh Huế, Quảng Trị, Thái Nguyên, Vũng Tàu…, ”với việc kịp thời ban hành ra quy trình, quy chế về IOC và phản ánh hiện trường thì hệ thống sau khi triển khai đã đi được vào đời sống và có hiệu quả tích cực trong công tác điều hành của chính quyền địa phương”, ông Đức nói.

Viettel hiện đang hợp tác chuyển đổi số với khoảng 80 cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp… với 112 hợp đồng được ký mới trong 6 tháng đầu năm 2022. Doanh thu lĩnh vực dịch vụ giải pháp CNTT của Viettel trong thời gian này tăng trưởng 14% so với năm 2021.