Xây dựng ý thức, tinh thần học tập

Hôm qua 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước hân hoan bước vào năm học mới 2022-2023. Năm học này bắt đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, toàn ngành giáo dục đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”.
0:00 / 0:00
0:00
Khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)
Khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)

Các trường đã ban hành kế hoạch trong cả năm học với những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện ngay, trong đó, vấn đề duy trì nền nếp học tập sau ngày khai giảng có ý nghĩa tích cực nhằm xây dựng ý thức, tinh thần học tập trong cả năm học.

Để năm học mới diễn ra thuận lợi, đạt kết quả tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023; Công văn triển khai một số hoạt động đầu năm học. Theo đó, các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp. Các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, trong đó lưu ý các giải pháp chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, sau kỳ nghỉ hè, học sinh đến trường với tâm trạng còn “ngại” do quá trình học tập ngắt quãng một thời gian, các em xáo trộn nền nếp sinh hoạt. Trong khi đó, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì cơ hội học tập, ý thức, phương pháp học tập, duy trì học tập chuyên cần còn hạn chế. Nhiều học sinh mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã phải sống xa gia đình, chưa biết cách tự học, sinh hoạt; nhiều em vì học kém hoặc khó khăn trong cuộc sống đã phải bỏ học giữa chừng. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cũng như các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các em đến trường học tập đầy đủ; có giải pháp giúp học sinh thực hiện tốt các nhiệm vụ, yêu cầu giáo dục cũng như nội quy, quy định của trường.

Năm học mới với nhiều nhiệm vụ đặt ra, đối với giáo dục mầm non là tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới; triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phù hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Cần chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở định hướng, yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập; triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phù hợp lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương. Các cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra.