Sáng 13/9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành về sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc. |
Hình thức tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời của công nhân lao động ngày càng đổi mới với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó có biên soạn và phát hành tài liệu phù hợp với trình độ người lao động và cán bộ công đoàn cơ sở.
Bên cạnh đó đối thoại, Công đoàn cơ sở thương lượng người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ, phối hợp tổ chức đào tạo nghề, thi tay nghề, thi thợ giỏi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ, bảng tin, tờ tin… tại doanh nghiệp.
Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội để tuyên truyền. Tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật, văn hóa trong đoàn viên, người lao động.
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi về công tác đào tạo trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn; Kết quả thực hiện Kết luận số 49-KL/TW gắn với triển khai thực hiện Quyết định 1268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập suốt đời; cơ chế chính sách để thực hiện học tập suốt đời…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Những năm qua tổ chức Công đoàn rất tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Tuy nhiên chất lượng của công nhân, lao động nói chung vẫn chưa được như mong muốn. Trong đó một phần do công nhân, lao động bằng lòng với trình độ, công việc, thu nhập hiện tại. Nhiều nơi việc thúc đẩy công nhân, lao động học tập chưa được coi trọng; một bộ phận doanh nghiệp không muốn người lao động nâng cao trình độ hơn hiện tại; thiếu thời gian và tài chính để đi học…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị khi góp ý cho Luật việc làm, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến về việc hình thành quỹ chuyển đổi nghề cho người lao động.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai cho biết: Đoàn công tác sẽ tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp ý kiến đề xuất, góp ý, kiến nghị, để hoàn thiện Báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có sự chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp với các bên liên quan xây dựng chương trình đào tạo phù hợp; xây dựng cơ chế, tài chính để động viên công nhân, lao động học tập; tiếp tục phát triển các mô hình học tập trực tuyến, học tập linh hoạt để người lao động dễ dàng tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi.
Theo Báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 5 năm vừa qua, các cấp công đoàn đã tổ chức gần 789,5 nghìn cuộc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hơn 71 triệu lượt đoàn viên, người lao động. Tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đến gần 21,6 triệu lượt công nhân lao động.