Nam Định hướng tới xây dựng các huyện ven biển thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía nam của tỉnh.
Nam Định hướng tới xây dựng các huyện ven biển thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía nam của tỉnh.

Xây dựng vùng kinh tế động lực ở vùng ven biển Nam Định

Với đường bờ biển dài và 3 huyện giáp biển, Nam Định xác định phát triển kinh tế ven biển là mũi nhọn chủ lực trong việc tạo sức bật cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh này.

Xác định tầm nhìn chiến lược

Nam Định có bờ biển dài 72km, gồm 3 huyện giáp biển là Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606.000 người, bằng khoảng 34% dân số toàn tỉnh.

Đây là khu vực đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay đã có 75/80 xã, thị trấn (93,8%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời cũng có mức thu nhập bình quân cao trên địa bàn, với huyện Giao Thủy đạt 82 triệu đồng/người/năm, huyện Hải Hậu đạt 60 triệu đồng/người/năm và huyện Nghĩa Hưng đạt 65 triệu đồng/người/năm (số liệu năm 2022).

Những năm qua, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, và Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế biển.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh, kinh tế biển đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, hằng năm đóng góp hơn 25% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2020 và 2020-2025), Đảng bộ tỉnh Nam Định đều ban hành các Nghị quyết về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía nam, tạo sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Xây dựng vùng kinh tế động lực ở vùng ven biển Nam Định ảnh 1

Tuyến đường bộ ven biển không chỉ kết nối các huyện phía nam của tỉnh, mà còn mở ra không gian kết nối cho Nam Định với nhiều tỉnh, thành phố khác.

Nam Định coi trọng thực hiện nhiệm vụ “tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm và phát triển các ngành kinh tế biển”, trong đó ưu tiên đầu tư 3 nhóm công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm gồm: xây dựng không gian phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông và hệ thống đê điều, thủy lợi. Các ngành kinh tế biển được chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm du lịch biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác hải sản và công nghiệp ven biển.

Để thúc đẩy kinh tế biển phát triển, Nam Định trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch. Tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong dự thảo đồ án quy hoạch đã tích hợp đồng bộ quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến biển.

Nam Định cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch huyện, vùng liên huyện; hoàn thành phê duyệt bổ sung quy hoạch và điều chỉnh nâng cấp quy hoạch nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, mang tính kết nối cao hướng về vùng ven biển.

Bên cạnh đó, tỉnh còn bổ sung quy hoạch một bến cảng hàng lỏng tại thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, tháng 10/2023, Nam Định đã hoàn thành hồ sơ đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô gần 14.000ha tại địa bàn 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng trên cơ sở Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đã được phê duyệt.

Hình thành vùng kinh tế động lực

Xây dựng vùng kinh tế động lực ở vùng ven biển Nam Định ảnh 2

Thi công đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, đoạn qua xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng.

Thời gian qua, Nam Định đã dành những nguồn lực rất lớn, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển.

Tỉnh đã hoàn thành giai đoạn I, đang triển khai thi công giai đoạn II Dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, và hoàn thành tỉnh lộ 488C.

Tháng 7/2023, Nam Định đã hoàn thành, mở luồng đường thủy nội địa quốc gia qua Cụm kênh nối Đáy-Ninh Cơ (nay là Kênh Nghĩa Hưng), công trình có tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD, là hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6, dự án lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía bắc (được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố), có tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Công trình được đưa vào sử dụng giúp tàu trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải đi sâu vào đất liền từ cửa Lạch Giang, giảm gánh nặng vận tải cho đường bộ.

Nam Định đã cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh, dài 65,58km, tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; tập trung đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển có vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, dài gần 25km, đi qua địa bàn 5 huyện; tích cực triển khai thi công giai đoạn II của dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.

Tỉnh cũng đã khởi công cầu vượt sông Đáy nối 2 tỉnh Nam Định-Ninh Bình, công trình thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng; đồng thời phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng cầu Bến Mới và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.

Để xây dựng, phát triển khu vực ven biển thành vùng kinh tế động lực và cực tăng trưởng mới, Nam Định đã tập trung thu hút các dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Xây dựng vùng kinh tế động lực ở vùng ven biển Nam Định ảnh 3

Mở luồng đường thủy nội địa quốc gia qua Kênh Nghĩa Hưng, công trình có tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD.

Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 22 dự án, với tổng vốn khoảng 100.000 tỷ đồng và gần 17 triệu USD (gồm 18 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án đầu tư nước ngoài) trên địa bàn các huyện ven biển. Trong đó có những dự án đầu tư lớn, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng ven biển như tổ hợp dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng tại huyện Nghĩa Hưng.

Cùng với đó, Nam Định đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo quy hoạch; tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp như Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); Cụm công nghiệp Thịnh Lâm (huyện Giao Thủy); Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (huyện Hải Hậu)…

Với việc ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn, Nam Định mở ra triển vọng xây dựng Khu công nghiệp Hải Long trên địa bàn huyện Giao Thủy, có quy mô dự kiến 1.100ha.

Bên cạnh việc mở không gian kết nối, phát triển cho vùng kinh tế biển, tỉnh cũng quan tâm phát triển ngành thủy sản; triển khai các dự án tu sửa, nâng cấp đê kè, phòng chống lụt bão, thủy lợi nội đồng; chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại các vùng ven biển…, đồng thời tập trung xây dựng các khu đô thị, khu tái định cư, khu dân cư tập trung để đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, Nam Định kỳ vọng sẽ “đánh thức” tiềm năng phát triển vùng ven biển; đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn các huyện ven biển chiếm tỷ trọng từ 30-35% toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển trở thành cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội, và có đóng góp quan trọng để Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

back to top