Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn còn là bài toán khó

NDO - Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu thì rất ít. Một trong những nguyên nhân đó là chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh trên diện rộng. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

PV: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất trong nước và xuất khẩu là một trong những mục tiêu được đặt ra của ngành nông nghiệp đối với chăn nuôi. Thứ trưởng có thể chia sẻ về kế hoạch cũng như lộ trình phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt chăn nuôi lợn hiện nay?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là lộ trình đã được đã xây dựng trong nhiều năm qua và đã có kết quả nhất định. Hiện nay chúng ta đã có các sản phẩm được xuất khẩu đi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Tuy nhiên, vấn đề là duy trì và mở rộng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn đang là bài toán cần có giải pháp. Để mở rộng được vùng an toàn dịch bệnh thì phải nhận thức được đúng nhu cầu muốn xuất khẩu thì phải có vùng an toàn dịch bệnh. Muốn xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phải có tiêu chí rõ ràng.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và ban hành tiêu chí này tập trung đầu tiên ở vùng Đông Nam Bộ, bởi đây là vùng có quy mô về chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn rất lớn.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đan xen như hiện nay?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có những khó khăn thách thức: Chăn nuôi của còn nhỏ lẻ manh mún, chăn nuôi theo hệ thống tự nhiên, chuồng hở nên quản lý an toàn dịch bệnh còn là bài toán khó. Bên cạnh đó tỷ lệ tiêm vaccine chúng ta vẫn chưa đạt, quy mô nhỏ lẻ lại còn phân tán. Đặc biệt là nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn những hạn chế.

Để phát triển nông nghiệp cần có một hệ sinh thái về doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và nông dân. Trong hệ sinh thái đó doanh nghiệp phải là giường cột, là trung tâm.

Để phát triển nông nghiệp cần có một hệ sinh thái về doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và nông dân. Trong hệ sinh thái đó doanh nghiệp phải là giường cột, là trung tâm, là người đi tiên phong để kéo theo các trang trại, các hộ gia đình trong hệ sinh thái đó. Doanh nghiệp ngoài việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thì cũng cần tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

PV: Xin thứ trưởng cho biết triển vọng phát triển chăn nuôi lợn năm 2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết, sáu tháng đầu năm 2023 sản lượng thịt lợn là đạt 2,32 triệu tấn, tăng 5,4% tổng đàn lợn là 24,86 triệu con. Giá lợn đã tăng trong thời gian khoảng một tháng trở lại đây từ 60-67 nghìn đồng/kg là một trong những tín hiệu tốt. Để chủ động nguồn thực phẩm từ nay đến Tết (dự kiến hằng năm nhu cầu đều tăng từ 15-20%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hội nghị để bàn các giải pháp phát triển chăn nuôi trong tình hình mới.

Một trong những vấn đề đầu tiên cần đề cập đến là công tác giống. Nhiều năm gần đây các viện, trường các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp tập trung vào công tác giống tương đối tốt. Năng suất sinh sản của chúng ta đạt 28-32 con/1 lái/1 năm.

Thứ nữa là phải thức ăn dinh dưỡng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Ngành chăn nuôi của của chúng ta cũng vậy. Đặc biệt là trong nhiều năm qua chúng ta nhập sản lượng thức ăn chăn nuôi với giá trị rất lớn.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng được vùng nguyên liệu để chủ động, giảm chi phí, giảm kho bãi, giảm lãi suất, giảm logistics và giảm các chi phí khác để giảm giá thành thấp nhất. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các doanh nghiệp đặc biệt tập trung vào các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu như sắn, ngô, đỗ tương.

Bên cạnh đó là việc bảo đảm công tác thú y, dịch bệnh. Chúng ta đã làm tốt việc tiêm vaccine lở mồm long móng vaccine tai xanh. Mới đây chúng ta có công bố hai vaccine dịch tả lợn châu Phi sau khi đưa vào tiêm thử nghiệm. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vaccine ở các đối tượng khác nhau, lứa tuổi khác nhau để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Nông sản của chúng ta xuất khẩu ở hơn 200 thị trường không lý do gì mà thịt lợn, thịt gia cầm chúng ta không xuất được sản lượng lớn hơn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Một trong những yếu tố nữa rất quan trọng cần nhấn mạnh đó là khâu giết mổ, sơ chế và chế biến. Mô hình của Masan là khi chế biến sâu nâng cao được giá trị gia tăng được 31%. Đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 98 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu.

Nông sản của chúng ta xuất khẩu ở hơn 200 thị trường không lý do gì mà thịt lợn, thịt gia cầm chúng ta không xuất được sản lượng lớn hơn. Mặc dù chúng ta xuất khẩu thịt gà đi nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản nhưng sản lượng vẫn hạn chế. Chúng ta phải tập trung xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm sơ chế, giết mổ, chế biến để phát triển được thị trường. Đây là những giải pháp căn cốt để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!