Xây dựng văn hóa ứng xử bằng những hành động thiết thực

Những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử. Những mô hình mới như: Xây dựng Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; xây dựng Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả... được triển khai bài bản, hiệu quả tại các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Các cấp Hội Phụ nữ đang tích cực xây dựng, giữ gìn hình ảnh phụ nữ Thủ đô văn minh, thanh lịch.
Các cấp Hội Phụ nữ đang tích cực xây dựng, giữ gìn hình ảnh phụ nữ Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Hội LHPN xã Song Phượng (huyện Ðan Phượng) vừa ra mắt mô hình điểm "Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu" trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại đền Tháp Thượng và chùa Nhạn Tháp (thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng).

Chủ tịch Hội LHPN xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung cho biết: Mô hình điểm di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu, thôn văn hóa kiểu mẫu nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân, tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt các Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tham gia ngày công lao động, huy động nguồn xã hội hóa để trồng hoa, dọn vệ sinh bảo vệ cảnh quan môi trường...". Từ khi triển khai mô hình, các di tích trên địa bàn xã Song Phượng đã sạch, đẹp hơn. Chị em phụ nữ vừa dọn dẹp, vừa nhắc nhở cộng đồng, từng bước xây dựng những chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi, việc làm của cá nhân, tổ chức nơi công cộng.

Ứng xử thanh lịch, văn minh là nét đẹp của người Hà Nội, là giá trị quý báu của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Cụ thể hóa việc xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội, những năm qua, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã triển khai cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp" và coi đây là trọng tâm của nhiệm kỳ công tác 2021-2026.

Ngoài mô hình "Ðường hoa phụ nữ tự quản" được triển khai từ những cuộc vận động trước đây, các mô hình: "Thôn, tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu", "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả", "Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu" trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng là những sáng kiến mới được áp dụng và đem lại hiệu quả. Ðến nay, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được 20 chợ văn minh, an toàn, hiệu quả, 30 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu và 51 thôn, tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu.

Với việc triển khai mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả", những nếp ứng xử mới, văn minh đang dần được hình thành. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Thái Hà Lương Thị Thu chia sẻ, từ khi ra mắt mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả", tiểu thương rất phấn khởi. Không chỉ tạo được niềm tin về chất lượng sản phẩm, thái độ gần gũi, thân thiện của tiểu thương với khách hàng cũng được lan tỏa.

Huyện Gia Lâm là địa bàn triển khai mô hình văn minh thương mại tại các khu chợ mạnh mẽ nhất, hiện có 3 khu chợ triển khai mô hình này.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh cho biết, triển khai mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả", các cấp Hội đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nữ tiểu thương tham gia. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, các chị em đã đăng ký công trình, phần việc cải tạo cảnh quan môi trường chợ sạch, đẹp, trang trí cây xanh; hạn chế sử dụng túi ni-lông trong bao gói hàng hóa... Dự kiến, đến hết năm 2025, thành phố sẽ có 35 mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" và con số đó tiếp tục được nhân lên. Trong ứng xử với môi trường, mô hình "Ðường hoa phụ nữ tự quản" tiếp tục góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân. Thành phố có 8.293 đoạn đường phụ nữ tự quản với 3.999 đoạn đường xanh-sạch-đẹp, 841 đoạn đường nở hoa.

Thành công của mô hình là minh chứng sống động cho tính hiệu quả, thiết thực và sức lan tỏa của cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp", góp phần mang đến những điểm sáng cho công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.