Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Xây dựng văn hóa liêm chính

Xây dựng văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Văn hóa liêm chính là nền tảng để xây dựng ý thức và thực hành liêm chính của cán bộ, đảng viên trong Đảng và hệ thống chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng văn hóa công vụ (Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)
Xây dựng văn hóa công vụ (Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

Liêm chính là giá trị nền tảng của đạo đức công vụ. Liêm “là trong sạch, không tham lam”, “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”, “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình” (Hồ Chí Minh).

Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn” (Hồ Chí Minh). Liêm chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày dựa trên sự tuân thủ đạo đức công vụ, đạo đức cá nhân.

Đạo đức công vụ liêm chính của người cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh) chính là hết lòng phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung, sử dụng quyền lực đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, phân minh trong phân định lợi ích công-tư.

Trên bình diện xây dựng nền hành chính quốc gia, liêm chính là điều kiện, là yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ tiến bộ, phát triển. Xây dựng phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (tháng 6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh yêu cầu: “phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ”(1).

Trên bình diện xây dựng nền hành chính quốc gia, liêm chính là điều kiện, là yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ tiến bộ, phát triển. Xây dựng phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Từ những ngày đầu tiên xây dựng chính quyền nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh “tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và trước thế giới” tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết” (2) và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(3).

Kế thừa và phát triển luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Liêm-Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta hôm nay “không nghỉ”, “không ngừng”, theo tinh thần “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” (4) và “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực” (5).

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”, “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Yêu cầu liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính được Đảng đặt ra khi nhấn mạnh cần xây dựng Đảng về đạo đức trong bối cảnh cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được quyết liệt đẩy mạnh.

Công việc xây dựng Đảng bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính. Liêm chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, bảo đảm bản chất tốt đẹp của Đảng. Có liêm chính thì Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng sẽ “là đạo đức, là văn minh”.

Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lương tâm và danh dự cho mỗi cán bộ, đảng viên đòi hỏi những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Xây dựng văn hóa liêm chính cho các cán bộ, đảng viên bao gồm hai mặt tác động biện chứng với nhau: chủ quan-các nhân tố tự thân và khách quan-các điều kiện môi trường và cơ chế công tác. Sự tự rèn luyện đạo đức và bản lĩnh của mỗi cá nhân để không “bất liêm”, để “không muốn”, “không cần” tham nhũng cần được hỗ trợ bởi kỷ luật Đảng, chính sách, cơ chế, luật pháp chặt chẽ và cả môi trường làm việc và cả không khí xã hội thuận lợi để “không dám” và “không thể” tham nhũng, tiêu cực.

Để chống việc cán bộ không “liêm”, không “chính”, tham nhũng, “hành” dân để đòi “bôi trơn”, đòi “ăn” hối lộ... thì cùng với nâng cao dân trí, nêu cao đạo đức công vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” (6). Quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, được “nhốt” trong “lồng” cơ chế cũng có tác dụng ngăn ngừa, răn đe với những tội phạm tiềm năng vì sự trả giá rất đắt về danh dự, sự nghiệp, cuộc sống và thậm chí cả sinh mệnh.

Để bảo vệ cho văn hóa liêm chính, trước hết cần tiếp tục thúc đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đó là những biểu hiện rõ nét của sự liêm chính từ cấp vĩ mô. Tất cả các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực đều “bất chính”, luôn được che đậy bởi những người đang âm mưu biến quyền lợi chung thành của riêng cho mình hoặc phe nhóm. Tăng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ đẩy lùi các ý đồ “bất liêm”, “bất chính”.

Để bảo vệ cho văn hóa liêm chính, trước hết cần tiếp tục thúc đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đó là những biểu hiện rõ nét của sự liêm chính từ cấp vĩ mô.

Đồng thời với việc phòng, chống “bất liêm” tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên và bịt lại những lỗ hổng trong cơ chế còn phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tôn vinh và vun đắp văn hóa liêm chính. Cần xem văn hóa liêm chính là một bộ phận quan trọng của văn hóa chính trị và cũng là bộ phận không thể thiếu của văn hóa xã hội. Văn hóa liêm chính cần được phát triển trên mọi lĩnh vực công việc để chống lại tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, còn để xây dựng quy tắc ứng xử, tạo ra một “hệ sinh thái” chính trị và xã hội văn minh, tiến bộ.

Mục đích hướng đến của chúng ta khi xây dựng văn hóa liêm chính là có được một nền chính trị chính danh và trong sạch, một nền kinh tế minh bạch và phát triển, một nền hành chính vì dân và hiệu quả-ở đó mỗi cán bộ, công chức “không muốn tham nhũng”, “không cần tham nhũng”.

Chúng ta mong muốn xây dựng nền chính trị liêm chính, trong đó người cán bộ có vai trò quan trọng trong việc nêu gương liêm chính-“cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân” và “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”. Khi “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”(7). Từ đó văn hóa liêm chính hình thành và càng phát triển.

Trên phương diện cá nhân, việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị trong việc giữ gìn phẩm chất liêm chính sẽ là “đầu tàu” mạnh mẽ kéo theo sự tự giác của quần chúng trong cơ quan. Với từng cá nhân đảng viên cần nhấn mạnh ý thức liêm chính - trong đó có danh dự, liêm sỉ, đạo đức của mình - để có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và dũng khí chống lại các ý đồ cũng như những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm vun đắp ý thức trách nhiệm, trọng danh dự sẽ góp phần tôn vinh văn hóa liêm chính của đội ngũ cán bộ và làm tươi mới bầu không khí lạc quan trong cả hệ thống chính trị.

(1), (4), (5), (6) Nguyễn Phú Trọng - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh - Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.

(2), (3), (7) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.