1/Tinh thần “hướng đến nhân dân” luôn được coi trọng và xem như là một ưu sách để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Thời Khúc Thừa Dụ có chính sách “Khoan, giản, an, lạc”. Triều Lý có chính sách “Ngụ binh ư nông”. Triều Trần có “Khoan thư sức dân”, “Chúng chí thành thành” và nổi tiếng với Hội nghị Diên Hồng.
Đặc biệt, với thời Lê, vai trò, vị trí người dân được luật hóa trong luật Hồng Đức, từ đó quy định nên một nền văn hóa công vụ, phong cách quan lại trong ứng xử, làm việc với nhân dân. Theo đó, quy định rõ ràng các nhóm nghĩa vụ mà quan lại phải thực hiện, như: nghĩa vụ làm tròn công vụ, chấp hành kỷ luật về giờ giấc, nội quy; nghĩa vụ giữ gìn của công, không lãng phí của công; nghĩa vụ làm việc tận tụy, công tâm, có trách nhiệm; nghĩa vụ phải thanh liêm (không được tham ô, sách nhiễu nhân dân, không được cửa quyền, hách dịch); nghĩa vụ phải tu dưỡng bản thân, cư xử mực thước, hợp tác với đồng liêu; nghĩa vụ ăn mặc nói năng đúng phép, có lễ độ;…
Thời Lê Sơ, triều đình còn xây dựng chế độ khảo khóa, nhằm đánh giá quan lại theo từng hạng, bậc, tùy thuộc vào kết quả của kỳ khảo khóa đã đạt được mà các quan lại có thể sẽ được thăng quan, thăng thưởng hay giáng chức. Nguyên tắc đánh giá được thể hiện rõ ràng qua lời dụ của Vua Lê Thánh Tông: “Nếu (quan lại) quả là có lòng chăm nom yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh, thì mới là xứng chức. Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì là không xứng chức”.
Bộ Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn cũng ghi nhận trách nhiệm của quan lại và công chức. Trong đó có quy định một số nghĩa vụ của quan lại như quan lại chỉ phải thực hiện theo đúng chức năng chỉ là phụ tá và thực thi quyền lực của nhà vua theo đúng cương vị của mình; nghĩa vụ thanh liêm, nghĩa vụ bảo vệ tài sản công,… Để giám sát hoạt động của bộ máy hành chính, trừng trị tham quan, bảo vệ nền quân chủ và phần nào bảo đảm quyền, lợi ích cho dân chúng, các vua nhà Nguyễn đã cho đặt trống Đăng Văn ở kinh đô để mỗi khi dân chúng bị oan thì đánh trống kêu oan cho vua và triều đình biết.
Có thể nói, các triều đại phong kiến nhìn chung, đều xoay quanh hai vấn đề cơ bản là tài năng và đức độ, tập trung vào đánh giá việc hoàn thành trách nhiệm, năng lực cai trị, tín nhiệm của dân chúng, phẩm chất đạo đức,...
2/Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã ghi nhận ý tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết lập một nền công vụ mạnh mẽ, sáng suốt của dân, hoạt động vì nhân dân và chịu sự kiểm soát, bãi miễn của nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân và Tổ quốc ngày càng tốt hơn thì cán bộ phải là “người đầy tớ của nhân dân”, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người cũng yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Đặc biệt với cán bộ, công chức cần phải chấp hành nghiêm những quy định của cơ quan, của tổ chức, phải tuân theo đường lối chung nhưng cũng phải suy nghĩ tìm tòi, có những sáng kiến riêng của mình, theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”...
Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước các cấp đã hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực...; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Việc xây dựng văn hóa công vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thể hiện thông qua việc cải cách hành chính phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa công vụ vẫn còn một số điểm hạn chế, như: Hệ thống chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chưa hoàn chỉnh, chính quyền các cấp chưa năng động trong việc vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn địa phương, chưa tìm ra những giải pháp xây dựng văn hóa nội vụ có tính chất đặc thù; ngại tiếp cận, học hỏi công nghệ số, trong thời đại 4.0 vẫn “bảo thủ”, duy trì cách làm cũ kỹ, lạc hậu, gây nhiều bất cập... Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ cấp cao thoái hóa, biến chất, quan liêu, tiêu cực, tham nhũng... Thái độ giao tiếp phục vụ nhân dân có lúc, có nơi còn chưa tốt. Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật: “một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thật sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”.
3/Nhìn rộng ra thế giới, vấn đề xây dựng văn hóa công vụ cũng được các nước rất quan tâm. Như tại Hàn Quốc, hệ thống công vụ dựa trên quan niệm về “công quyền” đã gắn chặt với nguyên tắc “công trạng”, tức là tạo lập cho công chức các quyền hạn để thực thi nhiệm vụ và được đánh giá, đãi ngộ qua “công trạng”, loại bỏ dần chế độ bổng lộc, theo dõi và ghi lại quá trình công tác của công chức trong từng giai đoạn, coi đó là một chứng chỉ nghề nghiệp.
Hay với Singapore, một trong những thành công tiêu biểu là việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ, ngành. Với cơ sở dữ liệu này, người dân chỉ cần vào một cổng duy nhất để thực hiện tất cả các dịch vụ hành chính. Các bộ và các tổ chức của chính phủ Singapore được khuyến khích tận dụng các kênh giao tiếp phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Twitter và LinkedIn để kết nối đến cộng đồng. Các nền tảng mới hơn như webchat và Facebook Chat cũng được sử dụng để tối ưu hóa việc tham gia trực tuyến cho người dân.
Gần đây, các nước ASEAN cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa công vụ thông qua các sáng kiến trong Kế hoạch làm việc ACCSM 2021 - 2025 và Kế hoạch Chiến lược Chính phủ điện tử ASEAN 2020, nỗ lực xây dựng các kênh để kết nối hai chiều giữa chính phủ và người dân.
4/Có thể nói, văn hóa công vụ chính là tinh thần nhân văn trong xử lý các quan hệ giữa cơ quan công quyền với tổ chức, công dân nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, để xây dựng, củng cố nền văn hóa công vụ của nước ta, trước hết phải thay đổi tư duy phục vụ Nhà nước sang phục vụ nhân dân, tiếp nối truyền thống trọng dân của cha ông, “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) và cũng là theo xu thế chung của thời đại.
Tiếp theo, cần thiết phải chuyển đổi nền hành chính công vụ từ truyền thống sang hiện đại. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất và chính xác nhất trong thời đại 4.0. Để thực hiện được điều này, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chiến lược về chuyển đổi số, tạo hành lang chính sách, phát triển Chính phủ số, xây dựng và ban hành khung Chính phủ điện tử quốc gia và khung chính quyền điện tử các địa phương; đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức chuyên trách. Đội ngũ cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực để làm việc trong môi trường số phát triển, đáp ứng năng lực để chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước đáp ứng tốt sự thay đổi và phát triển của công nghệ; xây dựng các kênh kết nối trực tuyến hai chiều giữa chính quyền, cán bộ và người dân…
Muốn xây dựng văn hóa công vụ, phải chú trọng xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách trong hoạt động công vụ mà trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Cần phải xây dựng hệ tiêu chí văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam dựa trên đặc điểm nghề nghiệp và nguyên tắc hoạt động công vụ. Với mục đích là phục vụ nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, đơn vị;… hệ tiêu chí cần phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố như: trách nhiệm công việc, năng lực chuyên môn, tín nhiệm của nhân dân (hài lòng/không hài lòng), phẩm chất đạo đức (cần, kiệm, liêm, chính),...
Cuối cùng, trong công cuộc xây dựng, củng cố nền văn hóa công vụ, người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, thông qua việc tiếp cận các thông tin được công khai, thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương, đơn vị, tổ chức; tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa chính quyền địa phương, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân… Hoạt động giám sát của nhân dân là sự thể hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Bên cạnh đó, người dân cũng cần được thay đổi nhận thức đối với chuyển đổi số. Để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hành chính số thành công cần thiết phải có sự tham gia và hưởng ứng của nhân dân.