Theo Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt, hiện cả nước có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên đang theo học tại 44 nghìn trường học từ mầm non đến đại học và hơn 1,4 triệu giáo viên, giảng viên các cấp học. Vì vậy, việc xây dựng quy tắc ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm từng bước xây dựng môi trường văn hóa học đường là rất cần thiết, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Những năm qua, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng văn hóa học đường nói chung, văn hóa ứng xử trong cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nói riêng có nhiều kết quả tích cực. Hầu hết học sinh, sinh viên có ý thức đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp trong nhà trường; tích cực tu dưỡng, rèn luyện về tác phong, giao tiếp, ứng xử phù hợp chuẩn mực của xã hội.
Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong trường học nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của ngành, của địa phương, nhà trường; gương mẫu, có thái độ, hành vi giao tiếp, ứng xử chuẩn mực.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo, coi nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường là giá trị cốt lõi trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông, đại học đã chủ động xây dựng và triển khai xây dựng môi trường văn hóa học đường, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học gắn với quản trị đại học; đồng thời, xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong xã hội.
Đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam quan tâm triển khai từ nhiều năm nay và dưới nhiều hình thức như các cuộc vận động “Dân chủ-Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành tích cực hưởng ứng và thực hiện.
Những giải pháp này đã mang lại một số kết quả nhất định. Đội ngũ giáo viên có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, đoàn kết, yêu nghề, yêu thương đồng nghiệp và học trò, nhiều thầy, cô giáo thật sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
Bên cạnh đó, văn hóa học đường lành mạnh giúp các thành viên trong nhà trường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, phát triển khả năng hợp tác giữa các thành viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường.
Từ đó, tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hoạt động vì sự phát triển chung của nhà trường, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục và xã hội.
Tuy nhiên, xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách như với những tác động từ quá trình phát triển của xã hội, công nghệ thông tin với internet và mạng xã hội ngày càng phát triển, những giá trị chuẩn mực, nếp sống văn hóa học đường của học sinh, sinh viên có những thay đổi nhất định, từ nhận thức, thái độ, đến hành vi và ứng xử.
Thực tế cho thấy, biểu hiện của văn hóa học đường đang là một vấn đề thời sự nổi cộm không chỉ trong nhà trường mà trong toàn xã hội, với một số sự việc đã gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, chuẩn mực văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn mang nặng tính hình thức.
Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là đối với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong trường học thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Vẫn còn một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, trong việc thực hiện chức trách, đạo đức nhà giáo… làm ảnh hưởng uy tín, vị thế của nhà giáo và ngành giáo dục.
Theo các chuyên gia giáo dục, để nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, chúng ta cần tăng cường tính phối hợp giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần, bồi đắp những giá trị đạo đức, lối sống tích cực cho học sinh, sinh viên.
Các cơ sở giáo dục triển khai giảng dạy nội dung về văn hóa học đường bằng hình thức tích hợp hoặc lồng ghép với các hoạt động dạy học, giáo dục khác của nhà trường để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục xây dựng hệ thống thông tin, cổng thông tin nội bộ giúp gắn kết học sinh, giáo viên và phụ huynh; khen thưởng rõ ràng cho các hành vi tốt, sự cố gắng của học sinh, thúc đẩy xây dựng văn hóa học đường đi vào nền nếp, hiệu quả.