Xây dựng văn hóa bền vững tại các cơ quan báo chí

NDO - Chiều 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, Hội Nhà báo tổ chức tọa đàm Chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm Xây dựng môi trường văn hoá báo chí. (Ảnh: THẾ ANH)
Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm Xây dựng môi trường văn hoá báo chí. (Ảnh: THẾ ANH)

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự.

Các diễn giả bao gồm các nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân; Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh; Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa; Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật; Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên Môi trường

Những gam màu sáng tối trong văn hóa báo chí

Phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, phiên thảo luận xây dựng môi trường văn hóa báo chí trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 lần này là hết sức có ý nghĩa cho các đồng chí, đồng nghiệp.

Báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa, tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện tại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác.

Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích về mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao sản xuất của nhân dân, bù đắp nền tảng tinh thần xã hội, những thay đổi lớn cho môi trường kinh tế xã hội, tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, tốt nghiệp hơn.

Xây dựng văn hóa bền vững tại các cơ quan báo chí ảnh 1

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận với chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí".

Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với cái thách thức, những hệ lụy mặt trái của sự phát triển, trong đó, nổi lên hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời, tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với công chúng, bạn đọc của mình, tìm đến các thị hiếu tầm thường, sản xuất, nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập; tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức công việc, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí dọa nạt, đóng tiền, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng mạnh mẽ. Đúng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, đồng thời công bố Bộ tiêu chí thực hiện cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam, trong đó có sáu điểm dành cho cơ quan báo chí và sáu điểm dành cho người làm báo.

Cho đến nay, có thể khẳng định, phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đã nhận được sự hướng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết cho các cơ quan báo chí các cấp, Hội Nhà báo trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng bước đầu đã tạo được điều chuyển mới, tích cực, tạo được nhận thức và hành động trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày. Đặc biệt hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, trong năm 2023 vừa qua, một trong những điều khiến chính những người làm báo nặng lòng nhất đó là việc có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo chí và tạp chí; cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố về tội danh cướp loạt tài sản số trong năm 2023 vừa qua, vẫn còn không ít hiện tượng không ít nhà báo bất chấp trong quy định về đạo đức, bảo nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy để đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view.

Nhưng bên cạnh đó, không thể phủ nhận thực tế là nhiều nhà báo thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống đã, đang thể hiện một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần có báo chí là phương tiện kiếm sống.

Để được có một nền báo chí Việt Nam thật sự hiện đại, nhân văn, các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển, phát huy giá trị văn hóa của sứ mệnh con người Việt Nam, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần có những chiến lược, kế hoạch như thế nào để xây dựng môi trường báo chí.

Tính gương mẫu của người đứng đầu

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã đề xuất giải pháp, cách làm để phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa báo chí đi vào thực chất và có hiệu quả cao.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật cho rằng, tại sao phải xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí? Có nhiều nguyên nhân nhưng gốc rễ của vấn đề là báo chí hiện nay đã thay đổi theo những thay đổi của xã hội, thời cuộc. Bản thân của sản phẩm báo chí đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vì thế việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần tương ứng với thị trường, thời cuộc nhằm phù hợp với thời cuộc và đáp ứng được các nhu cầu thông tin của bạn đọc.

Trong quá trình làm báo đáp ứng nhu cầu bạn đọc, việc xây dựng văn hóa tại cơ quan được thực hiện như thế nào?

Nếu chúng ta chỉ kêu gọi chung chung thì sẽ rất khó, trong khi nhiều cơ quan báo chí hiện nay đang thiếu cơ chế và các nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa, trong đó cần chú trọng đến những vấn đề thiết thực liên quan đến công tác xuất bản của tòa soạn, quy trình, hỗ trợ đời sống cho các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên.

Ông Nguyễn Tiến Thanh cho rằng, nếu để ý sẽ thấy, nếu thông tin của tòa soạn tốt thì ở đó họ cũng xây dựng được môi trường văn hóa ổn định. Mỗi cơ quan cần có một cách thức, chiến lược để xây dựng văn hóa khác nhau.

Xây dựng văn hóa bền vững tại các cơ quan báo chí ảnh 3

Ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại tọa đàm.

Trước câu hỏi của việc hiện đã có quy định về sử dụng mạng xã hội, quy tắc, đạo đức người làm báo của người làm báo đã có nhưng nhiều người làm báo vẫn chưa tuân thủ, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa cho rằng, có tình trạng dẫn link bài báo một đường nhưng nêu ý kiến một nẻo để dẫn dắt dư luận. Cũng có tình trạng về việc “ảo tưởng quyền lực” của một số nhà báo để lèo lái dư luận. Đó là thực trạng đáng lo ngại nếu đặt bên cạnh những quy chuẩn của đạo đức nhà báo và những đồng nghiệp làm việc với nghề chân chính

Tham gia ý kiến tại phiên tham luận, nhà báo Thanh Trang, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Báo hiện có hơn 170 cán bộ, phóng viên, có 4 cơ quan đại diện tại các tỉnh, thành trong cả nước. Khi có tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, năm 2019, báo đã phát động việc xây dựng văn hóa, bằng cách: Xây dựng cơ quan tuân thủ các quy định; Xây dựng môi trường đoàn kết, vì sự nghiệp chung;… để quán triệt, giáo dục đến tất cả các cán bộ, phóng viên trong cơ quan.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa báo chí là rất quan trọng. Nhiều năm nay, Hội Nhà báo đã nỗ lực xây dựng tiêu chí này để làm trong sạch môi trường báo chí. Yếu tố đạo đức và văn hóa đan xen, bổ trợ, tạo nền tảng cho nhau để nâng cao chất lượng cho nền văn hóa của người làm báo.

Qua phiên thảo luận này, chúng ta cùng mong muốn tiếp tục tìm thêm những yếu tố để xây dựng ngày càng tốt hơn nữa đạo đức, văn hóa của những người làm báo.

Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Người đứng đầu là rất quan trọng để xây dựng văn hóa cho các đồng nghiệp. Dù anh có xây như thế nào nhưng nếu người đứng đầu không gương mẫu thì mọi nỗ lực đều sẽ thất bại.

Việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên để đạt được những hiệu quả thực sự cho nghề báo Việt Nam.

Văn hóa của người làm báo có vai trò vô cùng quan trọng

Tại phiên thảo luận, ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường đã có bài tham luận với chủ đề: “Trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí”. Nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa trong báo chí, ông Hưng chia sẻ, văn hóa của người làm báo, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người làm báo trong một cơ quan báo chí là rất quan trọng.

“Tôi nghĩ rằng, một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa.

Bởi phải có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc”, ông Hưng thông tin.

Cũng theo Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường, trách nhiệm của nhà báo trước hết phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, đầy tính nhân văn. Mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện đề những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.

Thực trạng hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa báo chí, lợi ích nhóm, tự chuyển biến tự chuyển hóa… để ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn.

Trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, được ví như nguồn nước trong mát, trong dòng chảy thông tin của xã hội, mà ở đó cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn.

Tác phẩm báo chí phải đạt hàm lượng văn hóa cao

Xây dựng văn hóa bền vững tại các cơ quan báo chí ảnh 4

Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng (ngồi giữa), Báo Nhân Dân và nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh (bên phải) trong phiên thảo luận.

Trao đổi về chủ đề hàm lượng văn hóa trong cơ quan báo chí, Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân cho rằng, trong bối cảnh báo chí hiện đại hiện nay thì tác phẩm báo chí đạt hàm lượng văn hóa cao là một nhu cầu cần thiết.

Những năm qua, Báo Nhân Dân luôn giữ được môi trường báo chí lành mạnh với những cái người làm báo uy tín, trách nhiệm với bạn đọc. Để đạt được kết quả này công tác tổ chức toà soạn phải rất bài bản và rất nguyên nghiêm túc. Tôi cho rằng, hàm lượng văn hóa trong một tòa soạn và trong từng môi trường báo chí tạo cho người làm báo môi trường học hỏi, tu rèn, bồi đắp cho mình những phẩm chất đạo đức.

Đối với công tác chuyển đổi số, nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, chuyển đổi số là một tất yếu và báo chí muốn vươn tới giá trị chuyên nghiệp nhân văn thì chuyển đổi số cũng là điều bắt buộc. Bởi vì chuyển đổi số sẽ giúp cho các cơ quan báo chí đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xã hội số đòi hỏi chúng ta chuyển đổi số vì chất lượng của tờ báo.

Tuy nhiên, trước những mặt trái của mạng xã hội, công nghệ như hiện nay, sứ mệnh của nhà báo càng quan trọng hơn trong mỗi tác phẩm của mình để định hướng, dẫn dắt bạn đọc đến với những thông tin hữu ích.

Trả lời câu hỏi của chủ toạ về yếu tố kinh tế báo chí có tác động đến vấn đề văn hoá trong các cơ quan báo chí, nhà báo Phan Thanh Phong cho rằng, đây là vấn đề rất được nhiều cơ quan báo chí quan tâm bởi trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về nguồn tài chính để duy trì công tác xuất bản.

Khi bản thân người làm báo còn phải cáng đáng thêm nhiệm vụ làm kinh tế báo thì sẽ rất khó để hài hoà được chất lượng tác phẩm của mình do có nhiều yếu tố chi phối.

Nhiều nhà báo vì lòng tự trọng đã chọn cách rời đi nhưng cũng có những nhà báo đã chọn thoả hiệp để hài hoà giữa lợi ích kinh tế cho toà soạn và tác phẩm của mình. Đó thực sự là một lựa chọn rất khó khăn đối với nhiều nhà báo.