Trong mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước, các địa danh xưa: Tư Phố (thuộc phường Thiệu Dương ); Đông Phố (làng Đồng Pho, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn); Duy Tinh ở xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc; Yên Trường, nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân từng là nơi đặt lỵ sở cấp tỉnh qua các giai đoạn lịch sử, rồi Dương Xá-Thiệu Dương lại được chọn đặt lỵ sở nội trấn Thanh Hóa.
Thành phố Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm
Vào năm 1804, triều Nguyễn dời “Lỵ sở” ở làng Dương Xá về làng Thọ Hạc, lấy tên là Hạc Thành. Từ Hạc Thành đến đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa ngày nay, sông Mã cùng vùng hạ lưu luôn là trục trung tâm được chọn, đặt tỉnh lỵ Thanh Hóa. Đặc biệt, nhân dân thành phố Thanh Hóa - chủ thể lao động sáng tạo - đã nỗ lực phấn đấu, chung tay xây dựng, phát triển tỉnh lỵ Thanh Hóa xứng tầm với một tỉnh đất rộng, dân đông, nơi từng được phát hiện và khu vực trung tâm nền văn hóa Đông Sơn tỏa sáng từ thuở vua Hùng dựng nước.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho thành phố Thanh Hóa. |
Anh dũng, kiên cường cùng dân tộc đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng hành cùng quê hương trong các thời kỳ xây dựng, phát triển, năm 1994 thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố. Sau 20 năm kiến thiết, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2014.
Ba thập kỷ qua, thành phố Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, một trong những đô thị lớn, năng động của khu vực và cả nước. Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thông qua Nghị quyết số 1238 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025; trong đó có nội dung rất quan trọng là nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Người dân xem quy hoạch phát triển không gian thành phố Thanh Hóa. |
Đây là một chủ trương đúng đắn của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa, có ý nghĩa chiến lược lâu dài không chỉ đối với sự phát triển của thành phố Thanh Hóa, mà còn đối với cả tỉnh và khu vực. Qua 5 lần mở rộng địa giới hành chính, dân số thành phố hiện có hơn 615.000 người, đứng 2/19 các đô thị loại I về quy mô dân số; diện tích 228,22km2, đứng thứ 9/19 đô thị loại I cả nước.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Riêng năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt 81.220 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 91,17 triệu đồng, tăng 21 triệu đồng so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các thành phần kinh tế phát triển đa dạng, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề hoạt động.
Nét kiến trúc mới ở thành phố Thanh Hóa. |
Giai đoạn 2021-2024 thành phố Thanh Hóa triển khai 142 dự án có tổng mức đầu tư hơn 38 nghìn tỷ đồng. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ thương mại quy mô lớn, hiện đại được đầu tư xây dựng, trở thành những điểm nhấn, đẹp về kiến trúc và cảnh quan đô thị. Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Văn hóa-xã hội chuyển biến tiến bộ, các chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục, thể thao thành tích cao trong nhóm các đơn vị dẫn đầu cả tỉnh. Cuộc vận động “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được củng cố; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội hướng mạnh về cơ sở với nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Thanh Hóa trình bày diễn văn kỷ niệm. |
Để phát huy tiềm năng, lợi thế đô thị tỉnh lỵ, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong giai đoạn mới, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc và Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030. Ổn định bộ máy sau sáp nhập, vận hành có hiệu quả, thông suốt hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông gắn với triển khai các công trình trọng điểm theo Nghị quyết 38/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tổ chức thực hiện thiết thực, có hiệu quả Chương trình xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện; trọng tâm là Cuộc vận động người dân thành phố Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện. Củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên cho nhân dân; xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch đẹp.
Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức thành phố có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trao công nhận danh hiệu kiểu mẫu cho huyện Đông Sơn. |
Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Thanh Hóa đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa công bố Nghị quyết số 1238 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trao quyết định công nhận huyện Đông Sơn đạt danh hiệu kiểu mẫu năm 2024.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân thành phố tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nhanh chóng xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Trước mắt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, bảo đảm khoa học, có tầm nhìn dài hạn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển; nâng cao chất lượng thực hiện các quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo đồng bộ giữa xây dựng mới với cải tạo, chỉnh trang các khu vực cũ, khu vực sáp nhập.
Cơ sở giáo dục ở Khu đô thị mới thành phố Thanh Hóa. |
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện kinh tế, nguồn nhân lực có trình độ cao, thành phố Thanh Hóa cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu đô thị. Đẩy mạnh chuyển đổi số, huy động và đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước, bảo đảm thu ngân sách trên địa bàn. Thành phố cần chú trọng hơn nữa các hoạt động văn hóa-xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng văn hóa và con người thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện, mến khách, là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh tốt đẹp của vùng đất và con người xứ Thanh. Đồng thời tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động nắm và xử lý tốt các tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa còn đề nghị thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; gắn với hoàn thành các công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm các điều kiện để thành phố Thanh Hóa và các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động nề nếp, phát huy hiệu quả; tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2030.
Cán bộ, viên chức xem triển lãm ảnh "Thành phố Thanh Hóa xưa và nay". |
Tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; xây dựng Đảng bộ thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, cụ thể, quyết liệt, sâu sát thực tế, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, sức sáng tạo của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.