Xây dựng thành phố Bắc Kạn mang bản sắc dân tộc vùng Đông Bắc

NDO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn vừa ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm mục tiêu xây dựng thành phố phát triển toàn diện, mang bản sắc dân tộc vùng Đông Bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Bắc Kạn.
Một góc thành phố Bắc Kạn.

Thành phố Bắc Kạn là thành phố “trẻ”, mới được thành lập từ năm 2015. Thu ngân sách bình quân từ năm 2015 đến nay tăng trên 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ; kinh tế có bước tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, thành phố chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh về dân số, diện tích, đơn vị hành chính trực thuộc... Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy mạnh mẽ vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu kinh tế của tỉnh.

Với việc tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn thì thành phố Bắc Kạn có nhiều lợi thế,nhưng cũng có nhiều thách thức cần được giải quyết đồng bộ, dài hơi.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đề ra mục tiêu xây dựng thành phố tương xứng với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; mang bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc; là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư và du khách.

Trong đó, thành phố đưa thương mại, dịch vụ-du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống.

Tại nghị quyết, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu, cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân từ 12%/năm trở lên; tăng thu ngân sách bình quân đạt 13%/năm; tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 58%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 38%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 4%.

Thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh-sạch-văn minh, hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là đô thị loại II; diện tích đất cây xanh đô thị đạt 12m2/người dân; đón hơn 500.000 lượt khách du lịch/năm...

Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu, cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân từ 12%/năm trở lên; tăng thu ngân sách bình quân đạt 13%/năm; tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2045, thành phố Bắc Kạn phát triển toàn diện, có mức phát triển khá so với các địa phương trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động (kế hoạch) để triển khai thực hiện; nghiên cứu đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý để tăng cường nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thành phố Bắc Kạn.

So với các tỉnh lỵ khu vực miền núi, thành phố Bắc Kạn có diện tích, dân số và quy mô kinh tế nhỏ nhất. Mặc dù vậy, năm 2021, thành phố đã được Hiệp hội Đô thị toàn quốc công nhận là đô thị xanh, sạch, đẹp.

Với việc dự án đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố và đường du lịch từ thành phố đi hồ Ba Bể sắp khởi công, hoàn thành thời gian tới, thành phố Bắc Kạn đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Việc ban hành nghị quyết nêu trên sẽ tạo động lực để thành phố miền núi này phát triển đồng bộ, bền vững.