Xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

NDO - Sáng 16/1, phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì họp báo cung cấp thông tin với phóng viên các cơ quan báo chí. (Ảnh: CTV)
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì họp báo cung cấp thông tin với phóng viên các cơ quan báo chí. (Ảnh: CTV)

Thông tin kết quả công tác Tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp trong quý I/2025, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết thêm: kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID...

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2025, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Bộ Tư pháp sớm xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".

Nội dung quan trọng là Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo quyết liệt về tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.

Thời gian trước mắt, trọng tâm chính là việc nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với những quy định thể hiện tư tưởng mới giải quyết được những bất cập trong quy trình, bảo đảm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa khoa học, chặt chẽ, nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính linh hoạt.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có nhiều quy định mới, như phân cấp, phân quyền trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình lập pháp, bao gồm cả ban hành đạo luật và văn bản dưới luật.

Bộ Tư pháp cũng tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, văn bản, đề án được phân công chủ trì, như: Nghị quyết của Quốc hội giải quyết vướng mắc, phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; Đề án "Định hướng xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI".

Mặt khác, Bộ Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Bộ Tư pháp cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác trong các lĩnh vực hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra... tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

"Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2025, tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.

Các đơn vị thuộc bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của bộ, ngành, trong đó từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, trợ lý ảo phục vụ xây dựng và rà soát pháp luật; chú trọng xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện và kết nối, chia sẻ các hệ thống, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp.

Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; duy trì, thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương, đa phương; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp...

Bộ Tư pháp đã và đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam, trọng tâm là Lễ Kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI.