Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm nền tảng để phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác, thời gian qua xã Tả Thanh Oai đã duy trì các mô hình kinh tế, vùng trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản tập trung, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, kinh doanh dịch vụ.
Nhờ đó, đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,9 triệu đồng/năm. Đường làng, ngõ xóm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp khang trang theo hướng phát triển đô thị. Các hộ dân cũng chủ động chỉnh trang nhà ở, cải tạo sân vườn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tại xã Tam Hiệp, các tiêu chí phát triển kết cấu hạ tầng khang trang, hiện đại được đặc biệt quan tâm. Xã đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, thành phố và đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao lồng ghép mục tiêu phát triển xã lên phường giai đoạn 2021-2025 là hơn 645 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do người dân tự nguyện đóng góp là hơn 28 tỷ đồng. Diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp. Các tuyến đường được trồng hoa, có điện thắp sáng.
Bên cạnh đó, xã quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn giới thiệu việc làm để người dân tham gia học nghề và có việc làm ổn định; khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trong sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã Tam Hiệp có bốn hợp tác xã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 68,7 triệu đồng/người/năm.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, giai đoạn 2021-2025, huyện thực hiện hai nhiệm vụ chính trị quan trọng là đầu tư xây dựng xã thành phường, huyện thành quận và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với quyết tâm chính trị và sự đồng thuận rất cao của người dân, xã Liên Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Năm 2022, 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt như: hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, môi trường, giáo dục đào tạo, các thiết chế văn hóa, cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự,…
Để hỗ trợ các xã, huyện đã triển khai tám đề án phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển văn hóa-xã hội..., đồng thời tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế-xã hội, huyện đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, hơn 2.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhờ đó, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng, tăng tám triệu đồng so với năm 2020. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/ha. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%. Môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, ngày 18/4/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND công nhận 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Như vậy, cùng với xã Liên Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2021, đến nay toàn bộ 15 xã của huyện được công nhận xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước hai năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục nỗ lực hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và sớm đạt mục tiêu trở thành quận trung tâm của Thủ đô.