Nông thôn đổi sắc sau 12 năm xây dựng nông thôn mới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hơn 12 năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu “To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn.
Những kết quả đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn được cải thiện và cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả. Kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc. |
Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ kết quả đã đạt được, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 7-8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Đổi mới bắt đầu từ sự năng động của địa phương
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả nêu trên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới thì cũng còn nhiều khó khăn thách thức trong cần được trao đổi, tháo gỡ.
Trong đó chương trình sẽ tập trung vào một số giải pháp: Tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo các cấp từ Trung ương tới địa phương; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đi thăm các gian hàng OCOP trưng bày tại Hội nghị. |
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh, thành phố.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có những cách thức tiếp cận mới hơn. Bởi nếu làm được thì dư địa, tiềm năng của chúng ta trong phát triển nông thôn mới sẽ là rất lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần kết nối với nhau để giao lưu, tương tác cũng như cùng nhau chia sẻ thông tin, bài học, cách làm hay. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, muốn địa phương năng động thì thủ lĩnh phải năng động.
"Đừng tạo xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp… tất cả đều cần hòa hợp. Bởi lẽ, tất cả chúng sẽ đều góp phần phát triển quốc gia ngày càng thịnh vượng".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Bộ trưởng cho rằng, từ hội nghị hôm nay, cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn.
Đồng thời, đánh giá cao sáng kiến của các địa phương, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nông thôn mới chính là sức sống mới mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vừa qua những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Xây dựng nông thôn mới là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Bộ trưởng cũng khẳng định, mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Có thể nhiều địa phương có cùng 1 sản phẩm (mật ong, trà hoa vàng…) nhưng mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.
"Đừng tạo xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp… tất cả đều cần hòa hợp. Bởi lẽ, tất cả chúng sẽ đều góp phần phát triển quốc gia ngày càng thịnh vượng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.