Xây dựng nếp sống văn minh trong ma chay, cưới hỏi

Đông Anh là huyện ven đô, xưa vốn thuộc vùng Kinh Bắc, nơi có bề dày văn hóa truyền thống nhưng cũng còn ít hủ tục rườm rà trong đời sống. Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong ma chay, cưới hỏi, Đông Anh hình thành nếp sinh hoạt “cưới văn minh, tang tiến bộ”.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Đông Anh tuyên dương những tập thể, cá nhân gương mẫu trong thực hiện cưới văn minh.
Huyện Đông Anh tuyên dương những tập thể, cá nhân gương mẫu trong thực hiện cưới văn minh.

Năm 2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong 10 năm qua, huyện Đông Anh đã có 2.190 hội nghị tại các thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn bàn về việc cưới văn minh trong hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; 9.750 hội nghị nhân dân bàn việc xây dựng, bổ sung quy ước thôn, tổ dân phố, đưa nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, huyện Đông Anh có 21.928 cặp đôi đăng ký kết hôn và được trao đăng ký kết hôn tại UBND xã, trong đó, có 14.253 đám cưới tổ chức theo nếp sống mới bằng hình thức báo hỷ, tiệc ngọt, tổ chức cưới trong nội bộ gia đình; 4.385 đám cưới tổ chức theo hình thức báo hỷ; đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, toàn bộ đám cưới trên địa bàn huyện đều được dừng, hoãn hoặc giảm quy mô.

Đối với việc tang, thực hiện nếp sống văn minh trong ma chay, cưới hỏi, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TƯ năm 1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thực hiện Đề án số 02 về tiếp tục thực hiện việc ma chay văn minh tiến bộ trên địa bàn huyện, Đông Anh đã trở thành địa phương đi đầu và dẫn đầu thành phố về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.

Trước đây, huyện Đông Anh nổi tiếng là địa phương còn lưu giữ nhiều tập tục lạc hậu trong việc tổ chức tang lễ. Nhưng sự sát sao trong chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân trong vận động đã làm thay đổi hẳn. Nhiều hủ tục được loại bỏ, nhất là tục lăn đường, khóc thuê, để linh cữu người quá cố trong thời gian dài, mở loa quá to gây ảnh hưởng đến cộng đồng.

Tính đến nay, số hộ gia đình ở Đông Anh thực hiện hỏa táng cho người thân khi qua đời đạt tỷ lệ hơn 95%, có những thôn đạt 100% như thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà)... Một số địa phương còn có những sáng tạo riêng, giúp tiết kiệm chi phí cho đám tang như ở thị trấn Đông Anh đã duy trì việc sử dụng nhạc tang và vòng hoa luân chuyển tại 100% các đám tang trong tổ.

Chùa Phương Trạch (xã Vĩnh Ngọc) có hệ thống lưu tro cốt theo công nghệ hiện đại. Mỗi gia đình có mã số riêng để mở ô chứa tro cốt của người thân. Gần tới ngày giỗ, lễ, gia đình và người thân sẽ nhận được thông báo nhắc nhở qua tin nhắn điện tử.

Bà Nguyễn Thị Miền (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cho biết: “Trước đây, khi có việc tang, việc cỗ bàn làm ảnh hưởng kinh tế không ít gia đình. Nhưng hiện giờ, hầu như không có đám nào tổ chức ăn cỗ, chỉ có vài mâm cơm dành cho người ở xa về. Việc này đỡ hẳn phiền hà”.

Song song với thay đổi nếp sống, huyện Đông Anh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch nghĩa trang ngày càng xanh, sạch, đẹp, quy định việc xây cất mộ... đã tạo được sự đồng thuận của người dân. Việc tang lễ ở huyện Đông Anh đã dần đi vào quy củ, với tinh thần gọn nhẹ, đơn giản, văn minh và tiết kiệm...

Hiện, huyện Đông Anh đang đặt mục tiêu phấn đấu 50% số xã xây dựng mô hình hệ thống lưu tro cốt theo công nghệ 4.0... Từ một vùng quê còn không ít hủ tục, nếp sống của người dân huyện Đông Anh có nhiều thay đổi, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.