Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để đẩy nhanh phát triển giáo dục theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiên phong trong đổi mới giáo dục
Thực hiện thí điểm từ năm 2006 tới nay, mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” cho thấy những điểm ưu việt, vượt trội, thể hiện tầm nhìn về tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế. Thành phố có gần 60 trường đang thực hiện theo mô hình này và các trường này có vai trò nòng cốt, có khả năng tham gia cạnh tranh cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra sản phẩm giáo dục đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đây là một trong những điểm sáng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà ngành giáo dục thành phố chú trọng triển khai trong thời gian qua.
Là một trong ba trường trung học phổ thông được thực hiện thí điểm, xây dựng “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, đến nay, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3 đạt nhiều kết quả khả quan. Trường đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho mô hình giáo dục mới: Phòng học đầy đủ tiện nghi; nhà thi đấu đa năng, phòng thí nghiệm lý-hóa-sinh, phòng chiếu 3D, phòng STEM, thư viện điện tử… Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Nhà trường coi việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là nền tảng phương tiện thiết yếu để quá trình dạy học được diễn ra thuận lợi. Trở thành trường tiên tiến, hội nhập, trước tiên phải được trang bị, thiết kế cơ sở vật chất theo quy chuẩn quốc tế, bảo đảm sĩ số giới hạn 35 học sinh/lớp. Đây là điều kiện tuyệt vời cho phương pháp giáo dục cá nhân hóa, dạy học phân hóa và tối ưu trong trải nghiệm học tập với cơ sở vật chất tốt dành cho học sinh nhà trường. Năm học 2023-2024, nhà trường thực hiện kế hoạch “Xây dựng tài nguyên học liệu số”, là ngân hàng các bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, dự án nghiên cứu, dự án thực hành… để đưa vào thực tiễn giảng dạy với mong muốn học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi nền tảng và học tập suốt đời.
Đội ngũ nhà giáo chính là nguồn lực có sức ảnh hưởng, có sự tác động lớn nhất tới việc phát triển của một mô hình mới. Với kim chỉ nam “Trường muốn tiên tiến, hội nhập thì mỗi giáo viên, nhân viên phải trở thành những nhà giáo tiên tiến, có năng lực hội nhập quốc tế”, Trường THPT Lê Quý Đôn tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo với những giá trị, yêu cầu và quy chuẩn theo chuẩn quốc gia và định hướng quốc tế. Nhà trường đề ra năm giá trị cốt lõi theo tiêu chuẩn của các nền giáo dục phát triển để giáo viên nhà trường thực hiện, nỗ lực thay đổi trong suốt quá trình xây dựng mô hình: Giáo viên tận tâm với học sinh và tận tụy với việc truyền đạt kiến thức; giáo viên làm chủ môn học, trở thành chuyên gia trong môn học của mình; giáo viên đề cao trách nhiệm quản lý và hướng dẫn học sinh học tập; giáo viên cần có suy nghĩ một cách hệ thống về thực tế định hướng nghề nghiệp; giáo viên trở thành thành viên chủ chốt của cộng đồng học tập. Nhà trường cũng đề ra bốn năng lực nhà trường cần có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo mô hình có cấu trúc kim tự tháp bốn lớp: Năng lực kiến thức chuyên môn; năng lực phương pháp kỹ thuật; năng lực chuyên gia và tư vấn chuyên sâu; năng lực lãnh đạo và quản lý. Ngoài ra, với mô hình hội nhập quốc tế, nhà trường chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi với các nền giáo dục tiên tiến như Australia, Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Trong khi đó, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa xác định mục tiêu, chiến lược giáo dục đến năm 2030 là “Xây dựng chiến lược phát triển nhà trường tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập Việt Nam”. Để cụ thể hóa mục tiêu này, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Từ năm 2014, nhà trường triển khai Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh và Việt Nam”. Học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông của nước Anh và tham gia thi lấy các chứng chỉ quốc tế. Nhà trường cũng thành lập Ban Quan hệ quốc tế để tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Đơn vị này có nhiệm vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch hoạt động, làm việc với các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động hợp tác quốc tế, cũng như thành lập các câu lạc bộ học sinh tiềm năng để tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế.
Tiên phong trong đổi mới giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai nhiều mô hình hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo như: Từ năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thí điểm mô hình trường học thông minh tại năm trường: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Hiền, Trường THPT Nguyễn Du. Năm học 2022-2023 thí điểm mô hình lớp học số tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi); triển khai mô hình trường học hạnh phúc; mô hình giáo dục STEM; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy…
Phấn đấu trở thành nhóm dẫn đầu ASEAN
Qua thống kê, có 57,41% học sinh trung học phổ thông thành phố đạt trình độ ngoại ngữ có thể tự tin giao tiếp và tiếp tục theo học các chương trình đại học, cao đẳng quốc tế. Ngành giáo dục thành phố cũng thực hiện tốt phổ cập tin học cho học sinh trung học phổ thông với tất cả học sinh ứng dụng tin học trong học tập, trong nghiên cứu khoa học. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2013-2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách của thành phố hằng năm đạt tỷ lệ từ 20% đến 31%, bình quân đạt khoảng 24%. Trong 10 năm qua, địa phương này đã đưa vào sử dụng 10.000 phòng học, và phấn đấu đến cuối 2025 đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, tiên tiến, thành phố cần tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, nhất là giải được “bài toán” cơ sở trường lớp trước sức ép tăng dân số cơ học. Tính đến nay, số học sinh tại thành phố đã tăng hơn 1,6 lần, số phòng học tăng hơn 1,8 lần so với cách đây 20 năm. Với số học sinh hằng năm tăng nhanh dẫn đến số trường và số phòng học chưa đủ để bảo đảm tất cả học sinh được học hai buổi/ngày. Chỉ tiêu về diện tích đất trên học sinh không đủ định mức tối thiểu theo quy định. Nhiều trường có sĩ số học sinh các lớp cao, do đó việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Lãnh đạo thành phố luôn đặt phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu, ngân sách dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh, ảnh hưởng việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; chất lượng đào tạo...
Để chủ động hội nhập, thành phố đặt ra mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030. Cụ thể, đến năm 2030, thành phố bảo đảm 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia. Mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất hai trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, ngành tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành giáo dục và đào tạo; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người học; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; phát triển đội ngũ nhà giáo. Ngành giáo dục thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển của thế giới. Các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học, quản lý nhà trường trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số giáo dục. Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục, với ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo bảo đảm tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương, thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu
thế giới…■