So năm 2022, số vụ cháy tăng 206 vụ, tăng 6,3%; tăng 27 người chết, 19 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng 244 tỷ đồng, tăng 38,4%.
Số liệu nêu trên cho thấy, dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, nhưng tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhưng không thể khắc phục được ngay.
Về địa bàn cháy, khu vực thành thị chiếm 61,2%, với 2.105 vụ cháy, nông thôn xảy ra 1.335 vụ, chiếm 38,8%; trong đó, số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với 1.016 vụ cháy, chiếm 29,5%; các loại hình khác đều chiếm dưới 10%.
Còn tình trạng buông lỏng quản lý
Về nguyên nhân các vụ cháy, có hơn một nửa vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân là do sự cố hệ thống, thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp đến là nguyên nhân do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Nhân dân Thủ đô Hà Nội trải nghiệm, thực hành các phương án cứu hộ, cứu nạn. |
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.
Một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định phòng cháy, chữa cháy, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu đã đưa vào sử dụng. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác này chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn phòng cháy, chữa cháy, còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nhất là thiết bị điện trong sinh hoạt. Cá biệt có những trường hợp cố ý vi phạm gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tháng 9/2023. |
Các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.
Một số quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa thật sự đáp ứng được sự thay đổi, phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy theo chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh cháy, đặc biệt là cháy rừng, cháy trong khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, phố chợ, các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp... dẫn đến thiệt hại do cháy gây ra là rất lớn, kể cả tính mạng và tài sản của nhân dân...
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an các địa phương đã xuất gần 11,4 nghìn phương tiện và gần 65,2 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn gần 2,1 nghìn vụ cháy, nổ.
Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 593 người; tìm kiếm được 157 thi thể nạn nhân trong các vụ cháy, nổ; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và cứu được tài sản trị giá khoảng 353 tỷ đồng trong các vụ cháy.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được đổi mới, sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức với các buổi tuyên truyền trải nghiệm, thực hành diễn ra trên cả nước.
Nhiều mô hình phong trào được duy trì, hoạt động hiệu quả như "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy", “Điểm chữa cháy công cộng”, “Nhà tôi có bình chữa cháy”…
Đến nay, toàn quốc đã có gần 45,5 nghìn “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và gần 52,4 nghìn “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, tổ dân phố được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả…
Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. |
Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đẩy mạnh các đợt thanh tra, kiểm tra ngăn chặn cháy lớn tại các cơ sở trọng điểm trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu dân cư…
Toàn lực lượng đã kiểm tra, phát hiện, quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8.518 trường hợp, với số tiền phạt hơn 73,3 tỷ đồng.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trọng tâm là xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy; hoàn thiện các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; phối hợp các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp tục triển khai xây dựng dự án, đề án phục vụ chiến lược xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tập trung nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn ngày càng được nâng cao; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Quan tâm đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.