Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương khu vực

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Khu kinh tế cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai.
Khu kinh tế cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai.

Trong thời gian tới, Lào Cai tiếp tục ưu tiên phát triển theo hướng tạo dựng cơ sở hạ tầng và logistics để trở thành điểm trung chuyển kết nối vùng và khu vực,...

Biến tiềm năng thành lợi thế

Về điều kiện khách quan, vị trí địa lý thuận lợi giúp Lào Cai có vai trò đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, là “cửa ngõ, cầu nối” hàng hóa hai chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam, các nước ASEAN và ngược lại. Bên cạnh lợi thế địa lý để phát triển kinh tế cửa khẩu, Lào Cai cũng có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển giao thông, du lịch và dịch vụ.

Tỉnh Lào Cai đã xác định kinh tế cửa khẩu luôn là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, bên cạnh công nghiệp chế biến, du lịch và nông nghiệp. Mặt khác, tỉnh cũng tích cực, đẩy nhanh triển khai các quy hoạch trong khu kinh tế cửa khẩu, tạo quỹ đất mới và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hiện nay, trong phạm vi khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp, có 21 khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích hơn 2.132 ha.

Tỉnh đã tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics hiện đại, thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm về khai thác, quản lý, vận hành logistics để dần đưa Lào Cai trở thành “Logistics Hub” (Trung tâm Logistics) trong chuỗi logistics hàng hóa trong cả nước, góp phần xây dựng khu kinh tế cửa khẩu hiện đại, chuyên nghiệp, đẳng cấp và tạo niềm tin cho nhà đầu tư,...

Logistics là ngành dịch vụ có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngày 26/8/2021, tỉnh đã ban hành “Ðề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Ðề án đã phân tích rõ các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, từ đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển dịch vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Ðồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, sẽ đầu tư xây dựng trung tâm logistics Kim Thành-Bản Vược tại huyện Bát Xát, trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Ðây là khu vực kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, các cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cảng cạn, các khu công nghiệp, các cặp cửa khẩu quốc tế,...

Phạm vi hoạt động của trung tâm này chủ yếu tại các tỉnh trung du miền núi phía bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang,..; kết nối với các cảng cạn, cảng biển của Hải Phòng, Quảng Ninh, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp và các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang). Tỉnh đang tích cực lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh để tham gia đầu tư, vận hành trung tâm logistics này.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo Nghị quyết số 11-NQ/TW (ngày 10/2/2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định “đưa Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng tây nam Trung Quốc”. Tỉnh đã rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng phát triển để có được bức tranh toàn cảnh, làm cơ sở báo cáo Chính phủ giải pháp thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị.

Trong quá trình rà soát, đánh giá, tỉnh đã nhận diện những trở ngại như 2/3 diện tích tự nhiên của Lào Cai có địa hình phức tạp và chia cắt mạnh, khó khăn trong hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội, kết nối giao thông giữa các khu vực trên địa bàn. Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, nguồn lực hạn chế, việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Với thành phần dân tộc thiểu số chiếm đến 66,2%, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của Lào Cai còn non yếu,... Về cơ chế, chính sách, Lào Cai cũng như khu vực trung du miền núi phía bắc còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, chưa tạo được động lực mạnh mẽ phát triển đột phá.

Theo đánh giá của Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai Vương Trinh Quốc, một số ngành dịch vụ của tỉnh chưa phát triển ngang tầm lợi thế như dịch vụ kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistics và vận tải. Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính và quản trị còn hạn chế, thiếu doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt. Ðơn cử, Công ty Logistics Việt Trung có bãi xe rộng 5,6 ha tại Khu thương mại Kim Thành (thành phố Lào Cai), từ năm 2019 đã đầu tư 70-80 tỷ đồng vào hạ tầng bãi xe có sức chứa khoảng 200-220 xe hàng từ Trung Quốc và Việt Nam.

Giám đốc công ty Nguyễn Xuân Quế cho biết, đầu tư hạ tầng dịch vụ logistics với chi phí khá cao, trong khi thu lại nhỏ giọt. Mức thu thấp, đơn vị lại chỉ được thu của các xe Việt Nam, còn chủ yếu xe từ Trung Quốc sang do Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai thu. Doanh nghiệp đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai chia sẻ bớt phần thu này với đơn vị, khoảng 15-20% trở lên,…

Ðánh giá tổng quan, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, do sớm nhận diện những khó khăn, trở ngại, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Bộ Công thương hoàn thiện xây dựng Ðề án đưa Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng tây nam Trung Quốc.

Trong đó, tỉnh đề xuất các nhóm giải pháp: Tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, thu hút nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, trên cơ sở lồng ghép giữa các nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả thu hút đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Ðồng thời, nâng cao chất lượng và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, có chính sách thu hút lao động ngoài tỉnh, nhằm tạo ra thị trường lao động đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trước mắt là xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tăng cường liên kết kinh tế giữa Lào Cai với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và bắt đầu từ công tác quy hoạch phát triển vùng, đẩy mạnh hợp tác giữa Lào Cai và các nước ASEAN với vùng tây nam Trung Quốc;….