Nhân rộng những cách làm hiệu quả
Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh là trường học đầu tiên trong tỉnh Bắc Ninh được Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chọn xây dựng thí điểm mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông”. Sau hơn một năm triển khai, diện mạo giao thông trong khu vực đã có nhiều thay đổi tích cực. Khu vực cổng trường được bổ sung đầy đủ biển báo, vạch kẻ đường, gờ, gồ giảm tốc, đèn chiếu sáng. Tại khu vực nhà xe, thay vì để tự do nay đã được quy hoạch, bố trí theo khối, lớp, trên mỗi xe được dán logo ghi thông tin học sinh tại vị trí dễ quan sát…
Em Nguyễn Thái An, học sinh Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên chia sẻ: Không chỉ được học Luật An toàn giao thông, ở trường, chúng em thường xuyên được tham dự các buổi tuyên truyền về kỹ năng lái xe an toàn, các luật khi tham gia giao thông do nhà trường và các chú Công an giao thông tổ chức.
Nhờ đó em có thêm kiến thức, kỹ năng trong khi tham gia giao thông và về hướng dẫn lại các em nhỏ trong nhà và khu dân cư, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng Tỉnh an toàn giao thông.
Ra mắt mô hình thí điểm "Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông" tại trường Trung học Phổ thông Hàn Thuyên. |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, đến đầu năm học 2024-2025, mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông” được triển khai ở 298 trường học và đến giữa tháng 11/2024 sẽ nhân rộng đến 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh. Ngoài mô hình này, ngành giáo dục và đào tạo tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng duy trì, nhân rộng nhiều mô hình bảo đảm an toàn giao thông phát huy hiệu quả tích cực như: “Đi đến trường an toàn-về đến nhà an toàn”, “Cổng trường an toàn giao thông", “Xếp hàng đón con”…
Bắc Ninh lan tỏa những sáng kiến, giải pháp về an toàn giao thông
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết: Ngành giáo dục thực hiện đa dạng các hình thức, biện pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông đối với học sinh với mong muốn ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông ăn sâu bám rễ trong các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến nay, ngành giáo dục của tỉnh đã lồng ghép nội dung giao thông vào hơn 76 nghìn tiết học các môn chính khóa, gần 8.000 tiết dạy ngoại khóa.
Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông được nhà trường và phụ huynh tại Bắc Ninh tích cực hưởng ứng. |
Bên cạnh đó, sở đã xây dựng Bộ tài liệu dành cho cha mẹ hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn, đăng tải trên website và triển khai tại 507 cơ sở giáo dục, có hơn 357 nghìn phụ huynh nhận được tài liệu. Đồng thời xây dựng Bộ tiêu chí chấm điểm thi đua hằng năm của nhà trường, lớp học, giáo viên, học sinh gắn với thực hiện các nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và triển khai áp dụng từ năm học 2023-2024.
Tăng cường hạ tầng, hình thành ý thức văn hóa giao thông
Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Bám sát các nhóm mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Tỉnh an toàn giao thông, Công an tỉnh chủ động tham mưu triển khai thực hiện toàn diện trên các mặt công tác, nhiệm vụ được phân công và đạt được những kết quả nổi bật. Công an tỉnh tham mưu thực hiện rà soát và đã xử lý 100% điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông; lắp hơn 6.000 gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường. Nhờ đó, hạ tầng giao thông được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, một số bất cập tồn tại nhiều năm đã được khắc phục.
Việc thực hiện Tỉnh An toàn giao thông được Bắc Ninh triển khai tới tận các chi bộ, khu dân cư. |
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, lập biên bản 45.401 trường hợp vi phạm (tăng 69,8% so với thời gian trước), ra quyết định xử phạt 38.717 trường hợp (tăng 96%), kho bạc Nhà nước thu 103,5 tỷ (tăng 101,3%). Đặc biệt, riêng trong nội bộ lực lượng Công an tỉnh liên tục triển khai các giải pháp như: Mở đợt tổng kiểm soát các phương tiện, đóng biển “đã uống rượu bia, không lái xe” ở 100% nhà hàng, quán rượu, đến tận thôn, khu phố….
Kết quả, tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Cụ thể: tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Giảm 86 vụ (bằng 16%), giảm 53 người chết (bằng 19,7%), giảm 71 người bị thương (bằng 19,1%).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Công an thí điểm xây dựng Tỉnh an toàn giao thông. Để việc triển khai đạt hiệu quả, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 24/3/2023 về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” gồm 6 nhóm, 57 nhiệm vụ xuyên suốt, phân công cụ thể cho từng cấp, ngành, đến tận các chi, Đảng bộ cơ sở, khu phố. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Bộ quy tắc văn hóa giao thông của người Bắc Ninh.
Đường phố phong quang, ý thức người dân được nâng cao sau một năm Bắc Ninh triển khai "Tỉnh an toàn giao thông". |
Qua một năm triển khai thực hiện, 30 mục tiêu cơ bản trong xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đã hoàn thành, 27 nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài tiếp tục được triển khai. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh, tai nạn giao thông giảm sâu.
Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, bước đầu làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh, xây dựng tỉnh Bắc Ninh an toàn giao thông, văn minh, hiện đại, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng con người Bắc Ninh văn minh, lịch sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
Những kết quả trên có thể thấy sau một năm triển khai, việc xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" tại Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả, được các cấp, các ngành, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ, đóng góp tích cực trong bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và cần được tổng kết, phát huy, nhân rộng trong thời gian tới.