Chương trình Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park (viết tắt là AHP) là một sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện dựa trên Tuyên bố về các vườn di sản của Bộ trưởng các nước ASEAN từ năm 2003.
Đây là danh hiệu về bảo tồn của khu vực, được triển khai với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN, có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế.
Các Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gene, bảo đảm sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN, hướng tới phát triển bền vững.
Để Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban Quản lý Vườn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ bảo đảm đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn Vườn Quốc gia Xuân Thủy triển khai việc xây dựng hồ sơ đề cử theo đúng quy định.
Tính đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng Vườn Di sản ASEAN nhiều nhất Đông Nam Á với 10 khu vực, gồm: Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng) và Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh).
Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía nam cửa sông Hồng, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.100ha trên địa bàn huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Phù sa của sông Hồng và biển đã tạo nên một vùng rừng ngập nước rộng lớn với nhiều loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt trở thành “ga chim” của các loài chim di trú quý hiếm.
Tháng 1/1989, Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu vực đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt, là nơi cư trú của những loài chim nước).
Năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.