Năm 2007, anh K’Tam (người dân tộc Mạ) được giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ðắk Plao. Do tuổi đời còn trẻ, mới tốt nghiệp lớp 12 cho nên trong quá trình công tác anh K’Tam gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận thức được những hạn chế của cá nhân, anh K’Tam đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, được lãnh đạo địa phương ghi nhận, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ. Ðến năm 2009, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng. Từ năm 2010 đến 2016, anh K’Tam được cử đi học và tốt nghiệp lớp trung cấp lý luận chính trị và Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi kết thúc các khóa học, anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðắk Plao vào năm 2016 và từ năm 2022 đến nay được giao Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðắk Plao.
Anh K’Tam cho biết, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong việc tạo nguồn cán bộ người DTTS rất kịp thời, là động lực mạnh mẽ để cán bộ người DTTS từng bước hoàn thiện và có cơ hội phát triển. Cũng theo anh K’Tam, sau khi được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bản thân anh đã tự tin hơn, xử lý công việc nhanh, đúng quy định pháp luật và không xảy ra sai sót.
Chị Hoàng Thị Mỵ (người dân tộc H'Mông), sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Dân tộc huyện Ðắk Glong. Mặc dù có trình độ đại học, nhưng về kinh nghiệm thực tiễn và trình độ lý luận chính trị lại còn hạn chế, ngay từ những ngày đầu chị Mỵ đã gặp khó khăn trong công việc, nhất là việc làm "cầu nối" để đưa chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS ở cơ sở.
Trong quá trình công tác, chị Mỵ được cơ quan tạo điều kiện học tập lớp trung cấp lý luận chính trị và các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nên chỉ trong thời gian ngắn đã trưởng thành và sớm được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Năm 2015, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng; đến năm 2020, chị Mỵ được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ðắk Glong.
Tương tự, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Lao động Xã hội, cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh K’Bảy (người dân tộc Mạ) được tuyển dụng vào làm việc tại xã Ðắk Som. Trong quá trình công tác, nhận thấy được năng lực, trách nhiệm của anh, địa phương đã tạo điều kiện để anh được học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ. Hiện nay, anh K'Bảy được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðắk Som.
Anh K’Bảy cho biết, vùng DTTS đời sống còn nhiều khó khăn, việc học tập cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, cán bộ người DTTS, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế một số mặt; việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ là rất cần thiết; vừa để đáp ứng yêu cầu công việc, vừa tạo cơ hội để người DTTS có điều kiện phát triển ngang tầm những khu vực khác.
Bí thư Ðảng ủy xã Ðắk Plao, Nguyễn Văn Hùng cho biết, đa số cán bộ người DTTS khi mới tuyển dụng vào thường hạn chế về chuyên môn hoặc yếu về trình độ lý luận chính trị nên gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Trước thực tế này, hằng năm địa phương đã lựa chọn đối tượng, vị trí công tác, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền cho phép cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đáp ứng công việc được giao.
Ðến nay, 100% cán bộ người DTTS của xã có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên. Sau đào tạo nhiều người đã trưởng thành hơn, được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của địa phương, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðắk Som, Hoàng Ðức Tám cho biết, cán bộ người DTTS có ưu điểm là sinh ra và lớn lên tại địa phương, gần dân, hiểu rõ đời sống, phong tục, bản sắc văn hóa, nhất là ngôn ngữ người bản địa, nên rất thuận lợi trong công tác. Ngoài đồng chí K’Bảy đã được giao Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Ðảng ủy luôn quan tâm đến công tác cán bộ người DTTS, các đồng chí được cử đi học nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ và lý luận chính trị, khi về địa phương đều phát huy tốt kiến thức, năng lực, sở trường được học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí được bổ nhiệm vị trí cao hơn, được quy hoạch cán bộ nguồn cho cấp trên.
Hiện huyện Ðắk Glong có 1.279 cán bộ, công chức, trong đó có 351 cán bộ, công chức là người DTTS, chiếm tỷ lệ 27,4%, tăng 15% so với nhiệm kỳ trước. Hầu hết cán bộ DTTS đều được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.
Bí thư Huyện ủy Ðắk Glong, Vũ Tiến Lư cho biết, địa phương đang thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS, trong đó có chính sách tạo nguồn cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều động, bố trí cán bộ người DTTS, nhất là người DTTS bản địa còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn liên quan. Trên cơ sở kết quả đạt được, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn và bố trí cán bộ người DTTS bảo đảm theo đúng quy định ■