Xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững

Với thị trường hơn 10 triệu dân, thực phẩm sạch, an toàn là nhu cầu cấp thiết và lâu dài của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh công tác kiểm soát, phân phối hàng hóa còn nhiều bất cập thì việc xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín, bền vững là một trong các giải pháp mà các cơ quan chức năng của thành phố đang hướng đến, nhằm bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op.

Chuỗi cung ứng này nếu được làm bài bản sẽ góp phần giúp người dân từng bước tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa cho các doanh nghiệp.

Hàng Việt khẳng định chất lượng

Qua khảo sát một số siêu thị như Co.opmart, Satra, Bách Hóa Xanh… hàng Việt Nam chiếm từ 90-95% tổng sản phẩm. Tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Centrail Retail, Mega Market…, hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 80-90%. Trong khi đó, ở các kênh phân phối khác như chợ, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên.

Nhiều sản phẩm hàng Việt đã khẳng định được chỗ đứng trên các kệ hàng tại các điểm bán như: Yến đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi Bến Tre, hạt điều Bình Phước, mật hoa dừa Trà Vinh, bánh cốm Bình Định, miến dong Bắc Kạn… được người dùng tin tưởng và lựa chọn thường xuyên hơn. Bà Nguyễn Thị Thu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food cho biết: Để cung cấp cho người dân các mặt hàng an toàn, các nguồn hàng hóa nhập về tại siêu thị đều được kiểm định rõ ràng và nghiêm ngặt. Ngoài ra, khi nhập hàng vào cũng kiểm tra so với hàng mẫu, đặc biệt là đối với các sản phẩm dành cho trẻ em, sản phẩm hàng tươi sống phải truy xuất rõ nguồn gốc.

Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra Đỗ Thị Dậu cho biết: Đơn vị đã chủ động, đa dạng được nguồn hàng, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, tạo ra sự cạnh tranh nhiều hơn. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hà, ngụ thành phố Thủ Đức cho rằng: Qua nhiều năm sử dụng hàng ở các siêu thị, tôi thấy các sản phẩm đều công bố quy chuẩn về chất lượng rõ ràng cho nên yên tâm mua để sử dụng. So với hàng nhập, hàng Việt Nam cũng đạt được tiêu chuẩn chất lượng tương đương nhưng lại có lợi thế cạnh tranh về giá cả nên được nhiều người dân tin tưởng.

Đánh giá về chất lượng hàng Việt, Sở Công thương thành phố cho rằng, rất nhiều sản phẩm nội địa chất lượng tốt, ngang hàng ngoại nhập đang được cung ứng cho thị trường trong nước. Theo Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được hiệu quả tích cực như hiện nay, Ban chỉ đạo cuộc vận động đã triển khai giải pháp phối hợp các ngành, các cấp, tăng cường kết nối các địa phương với nhiều chương trình khác nhau, tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Từ năm 2024, “Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố” giữa các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn giúp các doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp phân phối chuẩn bị những đơn hàng lớn, tạo sự chủ động trong nguồn cung ứng. Với cách làm này, người lao động, người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đều có thể tiếp cận về lượng hàng, thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu một cách an toàn, thuận lợi.

Hợp tác kiểm soát chất lượng

Trong nỗ lực kiểm soát chất lượng các loại lương thực, thực phẩm, mới đây, các nội dung ký kết hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố gồm: Triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa sáu hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh); ký bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa và triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống…

Theo Sở Công thương thành phố, với các nội dung ký kết này, thông tin của nhà cung cấp và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối tham gia chương trình. Sản phẩm vi phạm các cam kết chất lượng sẽ được tất cả hệ thống phân phối trong chương trình đánh giá lại, có nguy cơ bị loại ra khỏi quầy kệ, đánh mất thị trường. Minh bạch thông tin sẽ giúp nhà sản xuất nắm rõ các tiêu chí để đưa hàng về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, chấm dứt tình trạng thủ tục vào siêu thị khó khăn và tốn kém; đồng thời, giúp giảm chi phí so với kiểm nghiệm riêng lẻ, chấm dứt tâm lý hạ chất lượng hàng hóa để giảm giá cả. Chuỗi cung ứng bền vững sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Theo thống kê, các đơn vị tham gia ký kết hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa hiện đang chiếm từ 50-60% thị phần bán lẻ hiện đại của thành phố.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng đặt ra vấn đề về giải pháp để truy xuất được nguồn gốc toàn bộ rau củ, thực phẩm vào siêu thị, nhất là ở các chợ đầu mối, chợ lẻ và cả bán hàng online, bởi công tác lấy mẫu, kiểm tra hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, các chợ trên địa bàn thành phố đang cung cấp từ 60-70% nguồn hàng thực phẩm cho người dân; trong đó, trọng tâm là từ ba chợ đầu mối. Ngoài ra, tình trạng chợ tự phát vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đây là những điểm bán không có truy xuất, không được quản lý nhưng đang thu hút lượng lớn người dân mua sắm, khiến công tác giám sát, kiểm tra chất lượng thực phẩm đã khó càng thêm khó.

Nhấn mạnh về công tác phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải yêu cầu: Các hệ thống phân phối, doanh nghiệp cung ứng đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng phải tuân thủ nghiêm các cam kết; thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bán hàng, định hướng sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các giới, các tầng lớp nhân dân về giá trị của việc kết nối là nâng cao chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng; các doanh nghiệp cần phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển xanh, bền vững.