Chỉ đạo này nhất quán với đường lối Đại hội XIII của Đảng: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”.
Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ và hệ thống chính quyền phục vụ nhân dân thì yêu cầu đầu tiên được đặt ra là hệ thống đó phải liêm chính và hoạt động hiệu quả. Trên bình diện xây dựng nền hành chính quốc gia, liêm chính là điều kiện, là yêu cầu của việc xây dựng hệ thống chính quyền tiến bộ, trong sạch.
Những cán bộ, công chức trong giao tiếp công việc với dân thể hiện hình ảnh đại diện của chính quyền để thực thi pháp luật, bảo đảm những quyền lợi chính đáng của nhân dân. Họ được đào tạo, trả lương, bổ nhiệm để làm những công việc công, những dịch vụ công cho nhân dân theo đúng Hiến pháp, pháp luật để nhân dân được “hưởng dụng” (chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) những quyền lợi chính đáng từ bộ máy chính quyền của mình và do mình xây dựng.
Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người dân bị “hành”, bị “gợi ý”, phải đi lại nhiều lần, phải chờ đợi mệt mỏi, hoặc chí ít thì cũng gặp phải thái độ lạnh lùng, tẻ nhạt khi tiếp xúc với những người đại diện của chính quyền. Tình trạng này không phải hiếm gặp và cũng không phải gần đây mới có. Đó là “bệnh” thể hiện quyền lực với dân của những ông “quan cách mạng” (chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Tâm lý này trực tiếp sinh ra những hành vi hách dịch, độc đoán, cách ứng xử kiểu “bề trên” với dân. Và cũng không ai dám chắc rằng nhũng nhiễu không sinh ra và đi kèm với những vòi vĩnh “tham nhũng vặt” của những cán bộ “tầm thấp” (!). Đó là loại tham nhũng được đánh giá là tràn lan phổ biến và gây hại không kém những vụ tham nhũng lớn. Những điều bức xúc của nhân dân diễn ra trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, làm nhân dân mất lòng tin, làm xấu đi hình ảnh của chính quyền.
Để khắc phục tình trạng đó, yêu cầu đặt ra với cả hệ thống và mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí” và cần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để chính quyền thật sự là của dân, do dân, vì dân.
Nhưng trước hết, mọi hành vi, mọi công việc cần được điều chỉnh bằng luật với những chế tài cụ thể sẽ dẫn đến ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác thực hiện đạo đức công vụ của các “công bộc của dân” được nâng cao. Đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được luật hóa trong Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2008 cần được thực hiện đầy đủ. Liêm chính phải trở thành giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày.
Các cấp ủy, chính quyền cần thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết: “phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lương tâm và danh dự cho mỗi cán bộ, đảng viên, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.