Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 8 tháng của năm 2022; phiên họp này có 4 nội dung quan trọng, trong đó đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua, từ đó có đánh giá, dự báo tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình 8 tháng qua có nhiều biến động lớn: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; biến đổi khí hậu gay gắt; giá dầu, khí đốt tiếp tục biến động, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng; chính sách tiền tệ, phòng, chống dịch các nước tác động điều hành kinh tế vĩ mô trong nước; dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn; thị trường xuất khẩu thu hẹp lại do nhiều biến động (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…); các vấn đề liên quan sản xuất, kinh doanh đều bị tác động và ảnh hưởng.
Thủ tướng Phạm Mình Chính chủ trì phiên họp. |
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương ngày càng nặng nề hơn: đó là, phải giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm; các dự án thua lỗ, kéo dài, các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn phải giải quyết; xuất hiện các dự án kéo dài, đội vốn, liên quan các dự án nhiệt điện lớn…, các dự án thép, đạm.
Liên quan các nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề do quy mô nền kinh tế lớn hơn, dẫn đến điều hành vất vả hơn; yêu cầu của nhân dân càng ngày càng tăng; cạnh tranh giữa các nước ngày càng tác động, khó khăn hơn đối với Việt Nam; những biến động về tỷ giá… Các vấn đề này diễn ra rất nhanh chóng, khó lường, khó dự báo; các loại thị trường của Việt Nam đều bị tác động.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, song chúng ta đang kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng; bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu; bảo đảm nhu cầu năng lượng; thị trường lao động phục hồi bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên; tăng cường công tác đối ngoại…
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ vấn đề tồn tại như đầu tư công, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ, một bộ phận nhân dân còn khó khăn, những vấn đề liên quan trật tự an toàn xã hội, an ninh phi truyền thống.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu phải dự báo sát tình hình để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi. Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến “đúng, trúng”, đi thẳng vào vấn đề, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học để thời gian tới làm tốt hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. |
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, cả nước có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4,5% so tháng trước; tăng 106,9% so cùng kỳ năm trước. Cả nước có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 177,8% so tháng trước và tăng 67,1% so cùng kỳ năm 2021; có 3.756 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,9% so tháng trước và tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2021; có 4.453 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 77,3% so cùng kỳ năm 2021; có 1.953 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,5% so tháng trước và tăng 140,5% so cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%; bình quân 1 tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 51,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 285,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022, bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 16,78 tỷ USD, giảm 12,3% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 8 tháng qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, tập trung, hiệu quả, bình tĩnh, kiên định, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm.
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua, Thủ tướng nhấn mạnh 12 kết quả nổi bật: tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh dù còn diễn biến phức tạp, bảo đảm chăm lo sức khoẻ và tính mạng cho nhân dân; kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khoá; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nền kinh tế tiếp tục phục hồi cả khu vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp phục hồi; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng; phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện; nhân dân nô nức trong kỳ nghỉ Lễ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm bớt khâu trung gian; các loại hình thị trường từng bước được phục hồi, kiểm soát theo hướng an toàn, lành mạnh, cạnh tranh; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục xu hướng giảm; quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; những vấn đề cấp bách được chỉ đạo, xử lý kịp thời; những vấn đề tồn đọng được giải quyết từng bước.
Theo Thủ tướng, những kết quả tích cực này đều phù hợp với đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế vừa qua. Có được kết quả này là nhờ chúng ta nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực cố gắng của hệ thống chính trị các cấp, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ với Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thủ tướng cũng nêu một số bài học kinh nghiệm, đó là phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, kiên định, kiên trì, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, bạn bè quốc tế; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Về nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan không được lơ là, chủ quan; xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, để từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội; không được lơ là, chủ quan, phải tăng cường phân cấp, phân quyền; linh hoạt, thích ứng mọi diễn biến mới; thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 không”.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm vaccine theo quy định, bảo đảm cho trẻ em đến trường được an toàn; khẩn trương mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính… phải chủ động thực hiện, xây dựng các kịch bản tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia; cương quyết cắt giảm những thủ tục rườm rà; điều chỉnh vốn những dự án triển khai chậm, không hiệu quả sang những dự án cần thiết, có sức lan toả cao.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc cấp mỏ đất, mỏ đá cho tư nhân; kiểm tra toàn bộ các dự án trọng điểm quốc gia liên quan việc cấp mỏ đất, mỏ đá; báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả trong tháng 9 những địa phương không thực hiện nghiêm việc này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn tất các báo cáo trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với các bộ ngành khác; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; chú trọng phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; rà soát, hoàn thiện, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin truyền thông; làm tốt công tác quy hoạch, chỉ đạo quyết liệt công tác này, nhất là các quy hoạch trình Trung ương, Quốc hội và Quy hoạch điện VIII như đã đề ra.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, do đó cần chú trọng phát triển các loại hình năng lượng này.
Chỉ đạo về công tác điều hành xăng dầu tại phần thảo luận trong phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải điều hành linh hoạt, ổn định.
Điều đó phụ thuộc "nghệ thuật điều hành", bản lĩnh của Bộ trong công tác này với mục tiêu bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bám sát thực tiễn, xử lý khéo léo, không để tác động tiêu cực xã hội, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, cơ cấu lại lĩnh vực truyền tải điện phù hợp, tăng cường sử dụng điện hiệu quả, phân phối điện phù hợp..., với mục tiêu cuối cùng là giá thành điện phải giảm, phục vụ hiệu quả việc giảm giá đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Quy hoạch điện VIII cũng phải thể hiện và đạt mục tiêu này.