Tập trung làm rõ các vụ án điểm
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: phải khẳng định rằng tất cả các bị can trong những vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn họ sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Những bị can này phạm tội là do lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và vi phạm những quy định của người đứng đầu, như hối lộ và nhận hối lộ. Trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỷ đồng. Thí dụ, vụ Việt Á, trong lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và bôi trơn khoảng 800 tỷ. Theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng công an cũng đang tập trung hết sức để sớm có những kết quả.
Còn ví dụ để chứng minh cho vấn đề trục lợi chính sách, theo cán bộ điều tra, chẳng hạn 1 chuyến bay "combo" (có trả phí) giải cứu, trừ các chi phí đi có thể số tiền lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng 1 chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay. Hay vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1/9/2018 đến 10/1/2019, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư. Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: ngày 3/6 đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp. Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 doanh nghiệp với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỷ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng; hồ sơ đã giải ngân là 100 doanh nghiệp với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỷ đồng. Việc triển khai ở một số địa phương chậm do một số nguyên nhân: Thứ nhất, do cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp; thứ hai, một số nơi chưa bố trí kịp, phải chờ kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ; thứ ba, một số doanh nghiệp e ngại người lao động trục lợi, nên tự ý phát sinh quy định, đòi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ; thứ tư, một số doanh nghiệp chưa chủ động, số lao động lớn. Vì Quyết định 8 có quy định gộp 2, 3 tháng, do đó nhiều doanh nghiệp với số lao động đông có tâm lý chờ 2, 3 tháng mới làm hồ sơ cho người lao động. Vì vậy, UBND cấp huyện nhận được rất ít hồ sơ và đang chờ các doanh nghiệp gửi hồ sơ lên.
Về giải pháp, Thủ tướng có Công điện số 431/CĐ-TTg năm 2022 tăng cường triển khai hỗ trợ người lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Xác định lộ trình tăng học phí phù hợp tình hình cụ thể
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định của luật, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành quy định về khung học phí. Trước đây chúng ta có Nghị định 86, hiệu lực đến hết năm học 2020-2021. Năm 2021, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 81 quy định khung học phí của các cơ sở giáo dục công lập từ năm 2021, 2022 trở đi. Vào thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch Covid-19 tương đối phức tạp, Bộ đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021-2022 như năm 2020-2021.
Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, đối với giáo dục phổ thông thì năm 2022 khung học phí đã đưa cụ thể trong Nghị định 81. Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế-xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân… để quyết định khung học phí hoặc mức học áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5%/năm.
Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí, đã kéo dài trong chủ trương tại Nghị quyết 19 của Trung ương. Nghị định quy định khung học phí, mức trần, sàn, các địa phương quy định mức học phí theo khung học phí. Mặc dù dịch đã qua thời điểm diễn biến căng thẳng, nhưng việc phục hồi kinh tế-xã hội cần nhiều thời gian. Tại các địa phương còn nhiều gia đình khó khăn nên các địa phương công bố mức học phí. Còn ở các trường đại học mức độ tự chủ tài chính khác nhau.
Bộ đã có công văn ngày 23/5 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân. Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để bảo đảm tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 sáng nay, 4/6, Bộ cũng được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau, nhất là đối với học sinh sinh viên, gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết. Cái này cần có đánh giá kỹ tác động đối với các bậc học khác nhau để có đề xuất phù hợp. Bộ cũng tiếp tục có những hướng dẫn để trong khung đó, các địa phương, các cơ sở đại học theo tình hình cụ thể có điều chỉnh cho phù hợp với từng trường, từng địa phương, khả năng chi trả của người dân, nhu cầu tổ chức dạy và học trong tình hình mới.