Xanh ngắt một dải biên cương

Lạng Sơn có 5 huyện biên giới, với 20 xã và một thị trấn giáp biên. Những năm qua, người dân nơi đây đã nỗ lực thực hiện các dự án trồng rừng, nhờ đó một dải biên cương xứ Lạng đã bạt ngàn những rừng hồi, rừng thông... xanh ngắt suốt bốn mùa.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ gia đình ở thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) xây được nhà kiên cố nhờ phát triển trồng rừng thông.
Nhiều hộ gia đình ở thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) xây được nhà kiên cố nhờ phát triển trồng rừng thông.

Các huyện biên giới như: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc... đã hình thành vùng trồng cây lâm nghiệp, với diện tích hơn 110.000 ha, trong đó chủ yếu cây thông, cây ăn quả... Những loại cây này thật sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân nơi biên giới, góp phần giữ vững vùng biên cương Tổ quốc.

Đổi thay nhờ rừng

Chúng tôi về thôn Khuổi Tà, nơi có ngọn núi Ngàn La, cao hơn 1.166m so với mực nước biển. Đứng trên đường tuần tra biên giới, nhìn dãy núi sừng sững trước mặt, trập trùng rừng cây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) Tô Đức Sơn giới thiệu: Để đến ngọn núi Ngàn La cũng phải mất một ngày đường đi bộ. Đấy là nơi khởi nguồn con sông Kỳ Cùng, con sông lớn nhất của tỉnh cũng như của khu vực miền núi Đông Bắc.

Con sông chảy từ đông nam lên tây bắc, đi qua 5 huyện giáp biên của tỉnh, rồi chảy theo hướng tây bắc-đông nam tới biên giới Việt Nam-Trung Quốc, rồi đổ vào lưu vực sông Tây Giang (Trung Quốc).

Trưởng thôn Khuổi Tà Lương Văn Hải cho biết thêm, thôn chỉ có 22 hộ với hơn 100 nhân khẩu, người dân rất mừng vì thôn được mang tên Khuổi Tà (tiếng Tày, Nùng nghĩa là suối lớn). Các hộ gia đình trong thôn đều được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý, mỗi hộ trung bình từ 10 ha trở lên.

Các khu rừng nguyên sinh nơi đầu nguồn con sông Kỳ Cùng đều được người dân bảo vệ, quản lý. Nhiều diện tích rừng thông đến nay đã cho khai thác nhựa, trung bình mỗi năm một hộ gia đình trong thôn khai thác nhựa thông được từ 2 đến 3 tấn nhựa, với giá trị thu nhập từ 80 đến 90 triệu đồng/hộ gia đình. Có cuộc sống ổn định, 19/22 hộ trong thôn đã xây nhà kiên cố, chăm lo cho con cháu được học hành, thôn có điện thắp sáng...

Người đi tiên phong về trồng rừng ở xã Bắc Xa là ông Kỳ Dùng Phú, năm nay 79 tuổi. Ông Phú sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Mạ. Ông bồi hồi nhớ lại những năm tháng thăng trầm của vùng đất giáp biên này: Năm 1968, khắp vùng này nhà nào cũng thiếu ăn lúc giáp hạt, nhà ở thì lụp xụp...

Mãi đến năm 1991, Nhà nước có chủ trương trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng (Dự án 661), ở đầu nguồn sông Kỳ Cùng. Có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng nên tất cả hưởng ứng rất nhiệt tình.

Nhưng phải hơn 10 năm, cây thông mới cho nhựa. Nhựa thông sau khi thu hoạch được, người dân trong thôn đem sang chợ giáp biên với Trung Quốc đổi lấy phân bón, hàng tiêu dùng... từ đó cuộc sống của họ từng bước đổi thay. Thấy Bản Mạ giàu lên từ cây thông, các thôn bản khác trong xã đều đến học tập và làm theo.

Trưởng thôn Bản Quầy Tô Đức Lượng chia sẻ: Hơn 20 năm trước đời sống của người dân nơi đây khó khăn đủ bề. Nhiều hộ dân đã phải ly hương vào các tỉnh phía nam lập nghiệp. Giờ đây, Bản Quầy đã có nhiều đổi thay, các hộ trong thôn đều xây được nhà kiên cố, không còn hộ đói. Có một số hộ gia đình trong thôn cho thu nhập hằng năm từ khai thác nhựa thông đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm trở lên.

Cho rừng vùng biên thêm xanh

Ở Đình Lập mọi người thường nói xã Bắc Xa là “thủ phủ” rừng thông, bởi ở đâu cũng thấy cây thông mã vĩ. Loài cây này thích ứng tốt với vùng đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt ở nơi vùng biên ải. Cây thông mọc lên ngay cạnh nhà, cạnh trường học, mọc ngay trên lối đi vào bản.

Bí thư Đảng ủy xã Bắc Xa Vi Thị Tôn vui mừng nói: Cây thông nơi đây có sức sống mãnh liệt, lá thông xanh ngắt cả bốn mùa. Hạt thông rơi xuống đất là nảy mầm rồi cứ thế sinh sôi nảy nở... Một cây thông, một năm cho thu hoạch được hơn 3,5 kg nhựa. Sau 10 năm cho khai thác nhựa, người dân chuyển sang khai thác gỗ đem bán... Nhựa thông nơi đây được các nhà khoa học đánh giá có chất lượng cao so với các nơi khác.

Để khai thác lợi thế này, những năm qua người dân trong xã đã trồng được hơn 11.000 ha rừng thông, trung bình mỗi hộ trồng từ 10 đến 40 ha, độ che phủ của rừng đạt hơn 84%. Ngoài xác định cây thông là cây chủ lực, người dân còn phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: Cây sa nhân, ba kích, chè hoa vàng... bước đầu đã có thu nhập.

Nhờ có đời sống kinh tế ổn định và được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2018, xã Bắc Xa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thật sự là một kỳ tích ở xã giáp biên này.

Trong câu chuyện quản lý vùng biên nơi đây, Trung tá Hoàng Văn Huấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Xa không giấu nổi niềm vui nói: Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa luôn thực hiện phương châm: “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; bốn cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) đến từng thôn, bản để vận động người dân tham gia tuần tra, bảo vệ cột mốc, đường biên và phát triển kinh tế đồi rừng.

Nhờ đó, các dự án trồng rừng được triển khai đến từng hộ dân, để rồi đến nay người dân nơi đây đã có của ăn, của để. Đường bê-tông đã vươn tới những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh, thay cho con đường đất bùn lầy mỗi khi mùa mưa đến... Đêm vùng biên bây giờ có đèn năng lượng mặt trời đã thắp sáng đường tuần tra biên giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đình Lập Nguyễn Văn Hà cho biết: Đình Lập là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh, với hơn 93.000 ha rừng, độ che phủ rừng hiện nay đạt hơn 76%. Huyện đã hình thành một số vùng rừng sản xuất tập trung như: Vùng trồng thông ở các xã Bắc Xa, Bính Xá, Kiên Mộc... kết hợp với trồng cây dược liệu như ba kích, chè hoa vàng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.

Những năm qua, cùng với công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định: Được Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ, đến nay các xã giáp biên đều hình thành các vùng trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, những mô hình trồng cây đã tạo sinh kế bền vững nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới.

Hiện nay, những mô hình trồng rừng thông, phát triển vườn cây ăn quả “hồng vành khuyên”; mô hình “Lũy tre biên giới Việt” đã xuất hiện trên tuyến biên giới ngày càng nhiều… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của các xã vùng biên không ngừng đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Đây cũng là nhân tố tích cực giúp Bộ đội Biên phòng tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.