Học viện Chính trị khu vực III - 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

Năm 1949, Trường Đảng Liên khu V (nay là Học viện Chính trị khu vực III) ra đời, với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp của Đảng, phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến miền trung-Tây Nguyên. 75 năm qua, quá trình chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của Học viện Chính trị khu vực III gắn liền với sự nghiệp cách mạng của các địa phương và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Học viện Chính trị khu vực III thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, đóng góp nhiều giải pháp có giá trị lý luận và thực tiễn.
Học viện Chính trị khu vực III thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, đóng góp nhiều giải pháp có giá trị lý luận và thực tiễn.

Khi mới thành lập, Trường Đảng Liên khu V đóng tại xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, do đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Trung Trung Bộ, Bí thư Liên Khu ủy khu V phụ trách. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Trường Đảng khu V nhiều lần phải dời địa điểm, đổi tên, sáp nhập, vẫn luôn bảo đảm là nôi đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn cán bộ cho các địa phương, phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Trường Đảng Liên khu V chuyển về phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Từ tháng 2/2014, Trường chính thức mang tên Học viện Chính trị khu vực III, trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tùy thuộc từng giai đoạn cách mạng cụ thể, nhiệm vụ chính trị của Học viện được mở rộng, chuyên sâu, từ nhiệm vụ huấn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng sau Cách mạng Tháng Tám; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ; đào tạo cán bộ gắn với bổ túc văn hóa sau giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước; đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với nghiên cứu khoa học lý luận chính trị...

Đến nay, Học viện luôn nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý...

Trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Trường Đảng Liên khu V đã mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lớp "chỉnh đảng"… cho hàng chục nghìn lượt cán bộ. Chỉ tính riêng trong năm 1963, đã có hơn 6.000 cán bộ các cấp và các đơn vị vũ trang được đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lực lượng nòng cốt, góp phần không nhỏ vào quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, từ năm 1976 đến năm 1992, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 9.000 cán bộ, trong đó có 8 khóa hệ đào tạo đặc biệt cho 488 cán bộ dân tộc thiểu số. Từ năm 1993 đến nay, Học viện đã mở 732 lớp đào tạo với số lượng 54.057 học viên, bao gồm hệ đại học chính trị; hoàn chỉnh đại học; Cao cấp lý luận chính trị… trong đó có 17 lớp, hơn 1.000 học viên hệ đặc biệt dành cho cán bộ dân tộc thiểu số; 10 lớp đào tạo cao học cho gần 500 cán bộ lãnh đạo, quản lý ở miền trung-Tây Nguyên; 70 lớp với 5.644 học viên bồi dưỡng nghiệp vụ theo chức danh (tổ chức, dân vận, kiểm tra, văn phòng cấp ủy); 22 lớp, gần 2.000 học viên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện ban thường vụ tỉnh ủy/thành ủy quản lý. Nhiều học viên của Học viện được giao những trọng trách cao ở Trung ương và địa phương.

Trong kháng chiến, công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chủ yếu tập trung nghiên cứu thực tế, kinh nghiệm của Việt Nam và các nước để bổ sung vào bài giảng, biên soạn một số giáo trình phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy. Sau năm 1975 công tác nghiên cứu khoa học chủ yếu là tổ chức các Hội nghị khoa học cấp trường với những tham luận của các giảng viên và các nhà nghiên cứu ở các ngành cấp Trung ương và một số địa phương miền trung-Tây Nguyên, trao đổi thông tin khoa học lý luận với giảng viên ở Trung ương.

Từ năm 1983, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện bắt đầu có những bước phát triển mới, với gần 500 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học với nhiều chủ đề khác nhau, một số cuộc hội nghị, hội thảo có sự phối hợp, tham gia của các đơn vị khoa học ở trung ương và địa phương… góp phần phục vụ công tác giảng dạy, học tập và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 1993 đến nay, Học viện đã thực hiện 648 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 17 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 101 đề tài, dự án cấp bộ; 14 đề tài cấp tỉnh và 516 đề tài cấp cơ sở. Giảng viên, nghiên cứu viên Học viện đã công bố gần 3.000 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế; tham gia viết gần 2.000 bài tham luận tại các hội thảo khoa học; xuất bản sáu giáo trình và gần 200 đầu sách tham khảo, chuyên khảo… Các kết quả nghiên cứu, đề tài khoa học, tham luận… được vận dụng vào bài giảng, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với chương trình cao cấp lý luận chính trị.

Từ năm 2021 đến nay, từ thực tiễn và quá trình nghiên cứu ở khu vực miền trung-Tây Nguyên, Học viện đúc kết, xây dựng các báo cáo kiến nghị gửi Trung ương, 6 báo cáo kiến nghị đã được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông qua và 2 báo cáo kiến nghị đang được xem xét, góp phần cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đất nước, tham vấn chính sách ở các tỉnh miền trung-Tây Nguyên.

Học viện xác định, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo 35 của Học viện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trong toàn Đảng bộ, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên và học viên… với nhiều hình thức triển khai đa dạng, phong phú, như các đề tài khoa học; tọa đàm, hội thảo khoa học; xây dựng các tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tổ chức Đội công tác 35 trên không gian mạng; xây dựng video clip, Fanpage Những ngọn lửa nhỏ, Group Facebook "Những ngọn lửa nhỏ" với hơn 1.000 thành viên tham gia thường xuyên; Cổng thông tin điện tử, Tạp chí Sinh hoạt lý luận của Học viện đăng tải nhiều bài viết có chất lượng cao của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài Học viện về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phối hợp Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực tổ chức các hội thảo khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Từ năm 2001, được sự giúp đỡ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Đối ngoại Trung ương, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với trường Đảng một số tỉnh của Trung Quốc, từ đó, tạo bước tiến lớn trong giao lưu nghiên cứu khoa học, học thuật, việc mở rộng và thiết lập quan hệ với trường Đảng của Lào, các trường đại học của Australia, Singapore, Hàn Quốc;… tổ chức 20 cuộc tọa đàm khoa học quốc tế với các đối tác, 21 đoàn nghiên cứu, trao đổi học thuật và các chương trình hợp tác trao đổi kinh nghiệm, học thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Học viện đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân, như Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua cấp Bộ; Kỷ niệm chương…

Kế thừa và phát huy truyền thống, 75 năm xây dựng, trưởng thành, trong năm học 2024-2025, Học viện Chính trị khu vực III tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập trong toàn Học viện; nâng cao hiệu quả, chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động xây dựng báo cáo kiến nghị cho Trung ương và các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; không ngừng nâng cao về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.

Bên cạnh đó, Học viện chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc và nâng cao đạo đức công vụ-đạo đức nhà giáo gắn với xây dựng văn hóa trường Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; tiếp tục đẩy mạnh phong trào lao động xã hội chủ nghĩa trong công chức, viên chức, người lao động và học viên; huy động lực lượng tham gia cải tạo cảnh quan môi trường của Học viện ngày một khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Tự hào với truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, toàn thể công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị khu vực III quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa để Học viện mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và là nơi thắp lên ngọn lửa của niềm tin và khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là trung tâm đào tạo cán bộ cho các tỉnh, thành phố ở miền trung-Tây Nguyên.