Ngày 16/8, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, sở này vừa có báo cáo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về kết quả quá trình điều tra, kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm của vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Hồng Ngự.
Theo đó, về kết quả lấy mẫu bệnh phẩm, Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự thực hiện lấy 51 mẫu bệnh phẩm, gồm: Phân, dịch nôn trong Cary-Blair, thực hiện vận chuyển tất cả mẫu bệnh phẩm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp (CDC) và CDC Đồng Tháp đã gửi mẫu đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm tìm Vibrio cholerae, Salmonella, Shigella.
Kết quả, có 29/51 bệnh nhân phát hiện Salmonella nhóm 9 (chiếm tỷ 56,86%). Trong đó, có 7/20 bệnh nhân là công nhân của Công ty TNHH may túi xách Thái Dương có phát hiện Salmonella nhóm 9 trong phân (chiếm tỷ lệ 35,0%).
Về kết quả lấy mẫu thực phẩm, Tổ điều tra ngộ độc thực phẩm của Trung tâm Y tế thành phố Hồng Ngự thực hiện lấy 5 mẫu thực phẩm, gồm: Chả lụa, Jambon (chả đỏ), pa-tê gan, xúc xích tỏi, dưa chua (củ cải trắng), gửi đến Trung tâm Kiểm định và kiểm nghiệm Đồng Tháp xét nghiệm các chỉ tiêu: Tổng số VSVHK, E.Coli, Salmonella, S. aureus, B. cereus.
Kết quả, có 1/5 mẫu (mẫu pa-tê gan) phát hiện Salmonella (chiếm tỷ lệ 20,0%), 4/5 mẫu còn lại có chỉ tiêu kiểm nghiệm đều đạt theo quy định (chiếm tỷ lệ 80,0%).
Qua kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm của cơ sở, xác định nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Salmonella có trong pa-tê gan (do hộ kinh doanh - cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 tự sản xuất).
Đồng Tháp: Gần 150 ca nghi ngộ độc thực phẩm
Sở Y tế cũng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh - cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 - đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Trong đó, cần nghiên cứu hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 tháng đến 5 tháng, đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả.
Sở Y tế cũng thông tin về công tác xác minh ngừng hoạt động của cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12.
Theo đó, về phía cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12, trong biên bản làm việc lập lúc 10 giờ, ngày 13/8, chủ cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 xác nhận ngừng kinh doanh bánh mì thịt lúc 10 giờ 30 phút ngày 7/8.
Đồng thời, cơ sở vẫn còn kinh doanh các sản phẩm khác gồm: bánh bông lan, bánh mì lạt, bánh mì ngọt và đến khoảng 14 giờ ngày 7/8 thì cho ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh của cơ sở.
Khoảng hơn 4 giờ sau đó, chủ cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 liên hệ xin điều chỉnh nội dung đã thông tin với đoàn kiểm tra.
Cụ thể, trong biên bản làm việc lập lúc 14 giờ 15 phút, ngày 13/8, chủ cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 xác nhận là ngừng kinh doanh bánh mì thịt lúc 10 giờ 30 phút, ngày 7/8, nhưng vẫn còn kinh doanh các sản phẩm khác gồm: bánh bông lan, bánh mì lạt, bánh mì ngọt và đến khoảng 9 giờ 30 phút, ngày 8/8 thì cho ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh của cơ sở.
Trước đó, như Báo Nhân Dân đã thông tin, vào ngày 7/8, tại thành phố Hồng Ngự xảy ra 1 vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì khiến 20 công nhân của Công ty TNHH may túi xách Thái Dương nhập viện.
Từ ngày 8 đến 15/8, tiếp tục có thêm nhiều bệnh nhân ngoài công ty nhập viện, ghi nhận tổng cộng 149 ca.
Đến 17 giờ, ngày 15/8 đã có 142 ca xuất viện, còn 7 ca đang tiếp tục điều trị. Hiện, tình trạng sức khỏe của các ca còn lại ổn định.