Kết quả khảo sát toàn năm 2021 của WTTC cho thấy, dựa trên tốc độ phục hồi hiện tại, đóng góp của ngành du lịch và lữ hành vào GDP của khu vực có thể tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 30,7%, tương ứng với mức tăng 515 tỷ USD.
Trước khi đại dịch xảy ra, đóng góp của ngành du lịch và lữ hành châu Á Thái Bình Dương vào GDP là hơn 3 nghìn tỷ USD (chiếm 9,9% nền kinh tế của khu vực).
Đại dịch khiến du lịch quốc tế rơi vào bế tắc gần như hoàn toàn. Trong năm 2020, du lịch châu Á Thái Bình Dương hứng chịu mức thiệt hại gần 54%, làm giảm một nửa đóng góp của du lịch và lữ hành vào nền kinh tế của khu vực.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của WTTC chỉ ra rằng, đóng góp của ngành du lịch và lữ hành cho nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt mức tăng 35,8% vào năm 2022, tương ứng với mức tăng 692 USD.
Bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTTC cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng, trong khi lĩnh vực du lịch và lữ hành toàn cầu đang bắt đầu phục hồi, thì châu Á Thái Bình Dương đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn nhiều. Nhiều quốc gia trong khu vực không chỉ tăng tốc toàn bộ chương trình tiêm chủng mà còn tập trung đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng tại các điểm du lịch trọng điểm để khởi động lại lĩnh vực du lịch và lữ hành”.
“Với tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực, và dự đoán tăng chi tiêu cho du lịch trong nước và quốc tế trong năm tới, triển vọng cho cả số lượng việc làm trong ngành và đóng góp GDP đều có vẻ khả quan hơn nhiều trong năm tới”, người đứng đầu WTTC nhận định.
Điều này cũng được người đứng đầu WTTC nêu lên tại Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển", diễn ra tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) hôm 25/12. Tham gia hội thảo trực tuyến, bà Julia Simpson cho biết, riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc phục hồi việc làm sẽ nhanh hơn, dự báo tới cuối năm 2022, khu vực sẽ có từ 181,5 - 198 triệu việc làm.
Trong năm 2019, lĩnh vực du lịch và lữ hành đã tạo ra hơn 185 triệu việc làm cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau khi mất hơn 34 triệu việc làm vào 2020, khi các hạn chế đi lại khiến hoạt động đi lại quốc tế gần như bế tắc hoàn toàn, tàn phá sinh kế trong khu vực và trên toàn thế giới, tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực du lịch và lữ hành của khu vực dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,4% năm 2021.
5 biện pháp bảo đảm khôi phục bền vững
Mặc dù dự báo lạc quan về tương lai du lịch và lữ hành của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, WTTC vẫn lưu ý, khu vực cần duy trì mở cửa biên giới và thực hiện 5 biện pháp nhằm bảo đảm sự khôi phục được duy trì và đẩy nhanh sự phục hồi của du lịch và lữ hành.
Thứ nhất, các quốc gia/điểm đến cần có các quy định đơn giản hóa, trong đó có đơn giản hóa các thủ tục xét nghiệm cho những người đi du lịch quốc tế, cho phép công dân đã tiêm vaccine đầy đủ được đi du lịch mà không bị hạn chế.
Thứ hai, cần phát triển và thực hiện các giải pháp kỹ thuật số cho phép mọi người chứng minh trạng thái Covid-19 và nhập cảnh một cách nhanh chóng, dễ dàng. Điều này cũng tương tự như việc mọi người đi tàu có thể sử dụng mã QR hoặc vé QR.
Thứ ba, công nhận tất cả các loại vaccine đã được WHO cấp phép.
Thứ tư, các điểm đến, khách sạn cũng như các tổ chức du lịch phải bảo đảm dịch vụ và sản phẩm mình cung cấp đáp ứng được các giao thức cao nhất về sức khỏe và an toàn, đáp ứng yêu cầu cao nhất đối với các tiêu chuẩn của du khách.
Cuối cùng, tiếp tục hỗ trợ sáng kiến COVAX / UNICEF để đảm bảo phân phối và tiếp cận vaccine (ngừa Covid-19) công bằng trên toàn thế giới.
WTTC cũng nhấn mạnh thêm, ở thời điểm này, sự phục hồi của du lịch chủ yếu được dẫn dắt bởi thị trường nội địa. Để phục hồi du lịch quốc tế, ngoài việc mở cửa biên giới và cho phép những người tiêm đủ vaccine đi du lịch, đồng thời đơn giản hóa thủ tục bằng việc ưu tiên và duy trì đơn giản hóa các quy định về du lịch quốc tế.