WMO: Tháng 7 là một trong những tháng nóng kỷ lục

Ngày 9/8, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết tháng 7 vừa qua là một trong số những tháng 7 nóng nhất, với nhiệt độ toàn cầu ghi nhận tăng gần 0,5 độ C so với mức trung bình.
0:00 / 0:00
0:00
Đám cháy Oak tại California, Mỹ, ngày 24/7/2022. (Ảnh: Reuters)
Đám cháy Oak tại California, Mỹ, ngày 24/7/2022. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Người phát ngôn của WMO, bà Clare Nullis nêu rõ: "Thế giới vừa trải qua một trong số những tháng 7 nóng kỷ lục".

Dẫn số liệu của Cơ quan Giám sát khí quyển châu Âu (Copernicus), bà Nullis cho biết tháng 7 là tháng mát hơn một chút so với tháng 7/2019 và nóng hơn một chút so với tháng 7/2016. Bà Nullis giải thích: "Sự chênh lệch (về nhiệt độ) giữa 3 tháng 7 này quá sít sao, cho nên chúng tôi gọi là 1 trong 3 tháng 7 nóng nhất".

Theo WMO, nền nhiệt toàn cầu trong tháng 7 vừa qua đã tăng 0,4 độ C so với mức trung bình ghi nhận từ năm 1991 đến năm 2020. Đáng chú ý, mùa hè tại châu Âu đã xảy ra các đợt nắng nóng và hạn hán, với lượng mưa thấp kỷ lục ở một số nước tại châu lục này. Bà Nullis cho biết tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất được ghi nhận ở Tây Ban Nha.

Theo các nhà khoa học, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn là chỉ dấu rõ ràng về tình trạng ấm lên trên toàn cầu. Hồi tháng trước, WMO cảnh báo các đợt nắng nóng đang hoành hành tại Đông Âu trở nên thường xuyên hơn và sẽ trở thành hiện tượng bình thường mới trong những thập kỷ tới.

Theo WMO, mặc dù nắng nóng hoành hành tại châu Âu và những nơi khác, song tháng 7 vừa qua không phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ trên toàn cầu bởi nhiệt độ tại các khu vực khác như những khu vực nằm dọc phía Tây Ấn Độ Dương và phần lớn khu vực Trung Á và Australia thấp hơn so với mức trung bình.